Kì thi THPT Quốc gia 2018: Giám thị cần… “giữ mình”!

Giám thị cần thực sự nghiêm túc trong kì thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh minh họa)
Giám thị cần thực sự nghiêm túc trong kì thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh minh họa)
(PLO) - Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2018 chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, sau sự cố để “lọt” đề thi ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội khiến công tác đảm bảo an toàn, bảo mật đề thi quốc gia năm nay trở thành vấn đề “nóng”. Hiện một số địa phương đã bắt đầu công tác in sao đề thi, đây là khâu quan trọng hàng đầu của kỳ thi, bởi chỉ cần mắc sai sót, để lộ đề thi sẽ khiến kỳ thi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thầy cô làm đề được “cách ly” triệt để

Kỳ thi năm nay diễn ra từ 24 - 27/6. Theo đó, ngày 24/6 thí sinh làm thủ tục dự thi. Từ sáng 25-27/6, thí sinh làm bài thi. Mỗi tỉnh, thành phố có 1 cụm thi do Sở GD-ĐT địa phương chủ trì, phối hợp với các đại học, học viện, cao đẳng do Bộ GD&ĐT điều động. Kỳ thi có 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Liên quan đến công tác bảo mật đề thi, coi thi của kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định, hiện Bộ đã có nhiều biện pháp để đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia diễn ra công bằng và nghiêm túc. Theo Quy chế Thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Do đó, ngay từ khâu ra đề thi đến in sao đề (gọi chung là làm đề thi) đều được thực hiện tại một địa điểm an toàn, được bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi đến hết thời gian thi môn cuối cùng. Do đó, các thành viên tham gia làm đề đều phải cách ly triệt để với bên ngoài tới khi kết thúc môn thi cuối cùng. Chỉ trường hợp cần thiết và được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch hội đồng ra đề thi hoặc Trưởng ban in sao đề thi, các thành viên mới được phép liên hệ với bên ngoài. Cách liên hệ bằng điện thoại cố định, có loa ngoài, có ghi âm, dưới sự giám sát của cán bộ bảo vệ, công an. Danh sách những người làm đề thi được giữ bí mật trước, trong và sau kỳ thi.

Thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia, hiện nay các Sở GD-ĐT đã và đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Công tác in sao đề thi đảm bảo an toàn và bảo mật đề thi được đặt lên hàng đầu. Theo quy chế, việc in sao đề thi được thực hiện cách ly 3 vòng độc lập với những quy trình chặt chẽ. Máy móc và thiết bị tại nơi làm đề thi, dù hư hỏng hay không dùng đến, chỉ được đưa ra ngoài khu vực cách ly sau thời gian thi môn cuối cùng. Đề thi in sao xong sẽ được niêm phong đóng gói theo phòng thi.

Quá trình vận chuyển, bàn giao, đề thi được bảo quản trong hòm, tủ hay két sắt được khóa, niêm phong, với sự giám sát của lực lượng công an. Đề được bảo vệ 24/24h trong suốt thời gian vận chuyển cho đến hết quá trình bảo quản và sử dụng tại điểm thi. Tuy nhiên, đại  diện Bộ GD-ĐT cũng cảnh báo, ngoài các biện pháp kỹ thuật, tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường mật độ cán bộ giám sát các phòng thi lên, nhưng cao nhất vẫn là tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ tham gia kỳ thi quan trọng này. Không chỉ thực hiện nghiêm quy chế, mà mỗi cán bộ phải giữ mình, chỉ cần vi phạm quy chế thi, sẽ bị xử lý rất nghiêm theo quy định của pháp luật.

Không để sự cố “thầy Phúc” lần thứ hai!

Năm nay, Hà Nội có số thí sinh dự thi THPT quốc gia nhiều nhất cả nước với gần 80.000 thí sinh. Sở GD-ĐT Hà Nội dự kiến bố trí 123 điểm thi với 3.363 phòng thi phục vụ kỳ thi này. Theo kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vừa được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội ký ban hành, để hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt là gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố số điện thoại đường dây nóng 0902.139.764. Bất cứ người dân, phụ huynh, thí sinh có băn khoăn cần giải đáp hoặc phát hiện sự cố, việc gian lận thi cử trước, trong và sau kỳ thi có thể liên hệ trực tiếp tới số máy trên.

Tương tự, để đảm bảo an toàn cho kì thi,  Sở GD-ĐT TP HCM đã có văn bản đề nghị Công an TP phối hợp, hỗ trợ các cụm thi, bảo đảm an toàn từ khâu in sao đề, bảo vệ các điểm thi, chấm thi, áp tải và bảo vệ đề thi, bài thi. Chỉ đạo lực lượng CSGT có kế hoạch phối hợp trực chốt và phối hợp với lực lượng của Sở Giao thông Vận tải, Lực lượng Thanh niên Xung phong TP bảo đảm lưu thông các tuyến đường, giải tỏa nhanh các khu vực kẹt xe trong những ngày thi, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh đến điểm thi đúng giờ quy định… 

Có thể nói, những sự cố rò rỉ đề thi đã xảy ra trong thời gian qua ở một số địa phương, là sự cảnh báo các điểm thi, hội đồng thi không được chủ quan bất kỳ khâu nào. Theo không ít “người trong cuộc” thì mặc dù công tác tập huấn đươc thực hiện kĩ lưỡng nhưng nhiều thầy cô vẫn không thấy rõ trách nhiệm trong vai trò giám thị của mình. Có thầy cô giáo đi trễ giờ, không nghe rút kinh nghiệm sau hoặc trước mỗi buổi thi, tới buổi coi thi thứ hai thì làm mất phù hiệu, không đeo phù hiệu, lãnh đạo hội đồng coi thi, điểm thi nhắc nhở thì chẳng ưng, tỏ ra khó chịu. Có giám thị ký giấy thi, giấy nháp dư thừa, không cần thiết. Có thầy cô giáo trong suốt thời gian coi thi, ở từng buổi thi thì đi lại trong phòng thi và ngoài bên ngoài quá nhiều.

Đến lúc thu bài thi của thí sinh, một số giám thị 1 và giám thị 2 lại thiếu kiểm tra, đối chiếu về các thông tin trong bài thi và phiếu thu bài dẫn tới sai lệch, thiếu sót. (Do thiếu kiểm tra khiến việc tô mã đề thi của một số thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 ở tỉnh Quảng Ngãi bị sai, máy chấm trắc nghiệm đọc không được, thí sinh phúc khảo, kết quả điểm thay đổi nhiều, hàng chục trường hợp. Sở này đã gửi văn bản về các trường yêu cầu rút kinh nghiệm, vì đây là lần đầu tiên có nhiều môn thi trắc nghiệm nên không xử lý kỷ luật).  Thêm nữa, bởi tính chủ quan, hời hợt, hay dựa vào cảm tính và chút ít kinh nghiệm nên luôn nghĩ mình đã thực hiện đúng quy trình rồi… cũng thường thấy ở một số giám thị khi coi thi. Mặc dù Quy chế thi rất nghiêm ngặt, chặt chẽ, hình thức thi đã đổi khác (chủ yếu thi trắc nghiệm) nhưng một số thầy cô giáo THPT và kể cả thầy cô giáo ĐH, CĐ vẫn bất chấp gửi gắm thí sinh, thậm chí “gà bài” cho thí sinh có quan hệ quen biết…

Mới đây, thầy giáo Nông Hoàng Phúc tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội có hai sai phạm rất nghiêm trọng. Đó là đem, sử dụng điện thoại trong lúc coi thi và hai lần phát tán đề thi môn Ngữ văn và Toán ra ngoài khu vực thi (cho một đồng nghiệp trong trường). Thầy Phúc bị đình chỉ công tác 30 ngày, công an Hà Nội đang mở rộng điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của thầy. Hiện chưa rõ động cơ, mục đích của thầy như thế nào nhưng với hành vi sai phạm nặng nêu trên chắc chắn thầy giáo này sẽ bị kỷ luật theo quy chế với hình thức buộc thôi việc.

Trước đó, ngày 7/6, chỉ một thời gian ngắn sau khi thí sinh làm bài môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP Hà Nội, trên mạng đã xuất hiện bản chụp đề thi các môn. Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra và phát hiện giám thị Nông Hoàng Phúc, cán bộ coi thi số 2 đã mang điện thoại vào phòng thi tại điểm thi THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) chụp đề thi Toán và Ngữ văn gửi cho một đồng nghiệp ở cùng trường. 

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, các điểm thi phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra một cách chặt chẽ, không chỉ thí sinh mà cả giám thị phòng thi không được mang vật dụng trái quy định, đặc biệt là thiết bị có chức năng thu phát vào phòng thi. Các điểm thi cũng phải thực hiện tốt từ khâu bảo mật đề thi, coi thi, thu đề, chấm thi... Nâng cao trách nhiệm đối với những người là Chủ tịch hội đồng thi, nếu điểm thi xảy ra sự cố phải chịu trách nhiệm. Trường hợp xảy ra giám thị vi phạm quy chế thi mà giám thị cùng phòng không phát hiện ra thì cũng bị xử lý nghiêm.

Đọc thêm

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội

Ảnh minh họa

(PLVN) - Ngày 19/4 là hạn để học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Điền phiếu đăng ký dự tuyển là một bước quan trọng đối với các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi quan trọng này.