Cái đích cuối cùng của nghề giáo là gì?

Thầy cô là tương lai và ký ức đẹp của mỗi con người. (Ảnh minh họa)
Thầy cô là tương lai và ký ức đẹp của mỗi con người. (Ảnh minh họa)
(PLO) -  Cái đích cuối cùng của nghề giáo sẽ chẳng gì hơn là sự thành công của trò. Khi ấy, người thầy mãi là kỉ niệm đẹp đẽ mà mỗi người sẽ mang theo trong cuộc đời…

Xưa nay, người thầy luôn là người có khả năng truyền cảm hứng và hướng thiện cho học trò. Thực tế, có những học sinh đã trở thành những người giỏi và có ích chính bởi sự khích lệ, niềm tin của thầy cô. Thế nhưng, thời gian gần đây, quá nhiều những sự việc phản cảm đã làm méo mó hình ảnh người thầy.

Tiền có khích lệ được trò?

Chị Ngân Anh ( Hà Nội) chia sẻ: “ Mình có 2 cháu đang học tiểu học và cấp hai. Mình vô cùng ngạc nhiên và băn khoăn khi thỉnh thoảng các con đi thi học sinh giỏi, hoặc cô nhờ làm gì đó trên lớp lại thưởng cho các con tiền. Dù số tiền không lớn, chỉ khoảng 50 ngàn. Như con gái mình viết chữ đẹp nên cuối năm hay giúp các cô phụ trách Đội làm sổ hoặc giúp cô chủ nhiệm việc gì đó là cô lại cho con 50 ngàn. Mình ngại quá, có lần chạy tới nhà cô chủ nhiệm để gửi lại”. 

Câu chuyện đó cũng như vài tháng trước đây, mạng xã hội xôn xao với clip một cô giáo THCS ở quận 1 TP HCM thưởng tiền cho học sinh. Cô chia sẻ: “Xin lỗi, đừng hỏi vì sao tôi cứ thưởng tiền. Nếu bạn hiểu thì bạn sẽ còn cho nhiều hơn cô giáo nghèo mà sang chảnh này! ”. Đành rằng đó không phải là câu chuyện thường ngày của cô mà chỉ là một thời điểm cô với trò chuẩn bị chia tay và học sinh của cô chuẩn bị thi vào lớp 10.

Nhiều cô chủ nhiệm cũng cho biết, thực tế không biết động viên các con phấn đấu sao cho phù hợp. Ví dụ, cô giáo Văn từng đưa ra mức thưởng với bạn học kém Văn là 100 ngàn đồng nếu em đó đạt điểm 7. Và hẳn các thầy cô cũng không mấy dư dả, nếu các trò biết được thầy cô mình đã phải dành dụm một khoản lương ít ỏi để thưởng cho các em, sẽ vô cùng cảm động. Tuy nhiên, phần đa ý kiến vẫn là cảm giác sao đó khi các thầy cô thưởng tiền để khích lệ học trò mình.

Bày tỏ quan điểm của mình, thầy Nguyễn Quốc Vương, một chuyên gia giáo dục cho rằng: “Cách làm này về lâu dài rất có hại. Nó đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản nhất của giáo dục hiện đại. Việc thưởng cho điểm số cao đã cần thận trọng nữa là thưởng bằng tiền công khai. Nó sẽ tạo ra nhóm thắng và nhóm thua. Nhóm thắng cảm thấy ưu việt, nhóm thua cảm thấy tự ti. Ngoài ra, việc học muốn duy trì lâu dài và tiến bộ thì phải nhờ vào động lực trong chứ không phải nhờ động lực ngoài (khen thưởng)”. 

Lời phê - khích lệ hay hoang mang?

Một thầy giáo bày tỏ, nhiều năm qua, với chương trình SGK khá nặng nề, nhiều khi do áp lực công việc và phê quá nhiều học bạ nên giáo viên có khi “rập khuôn” những lời phê để phê cho kịp, cho nhanh. Thế nhưng, nhiều thầy cô đã không biết rằng lời phê của mình sẽ đi theo cuộc đời học sinh. Có những lời phê đã làm thay đổi số phận của cả một con người. Vì vậy, cần lắm tấm lòng, sự cẩn trọng của thầy cô trong từng nét chữ hồ sơ học sinh.

Cô giáo Thúy Hằng  (Hà Nội) chia sẻ về chị dâu mình sống ở một vùng quê  đã tá hỏa khi cầm quyển học bạ của con: “Tôi cầm quyển học bạ, nhìn kết quả cả năm: Học lực: TB (trung bình); Hạnh kiểm: K (khá), rồi đọc những dòng chữ viết tay hơi cẩu thả: “Còn vi phạm nội quy lớp học, hay có những hành động bất thường”… Các thầy, cô ấy bảo rằng: “hay có những hành động bất thường” không bị thần kinh thì cũng thuộc dạng cá biệt, cứng đầu. Con em trong xã thì phải dạy chứ xã ngoài nhận làm gì cho nó phá bĩnh lớp học ra”…

Theo cô giáo Thúy Hằng, có thể do nhận thức mà một số thầy, cô hạ bút phê vào học bạ cho học trò khiến nhiều khi dở khóc, dở cười. Hoặc là rất chung chung: lực học khá, lao động tốt, sức khoẻ tốt; hoặc là quá cụ thể: đôi khi còn không học bài, còn vi phạm nội quy; hoặc lặp lại thông tin ở phần kết quả: lực học khá, hạnh kiểm tốt, còn hay nghỉ học...

Trong khi đó, lời phê trong học bạ hay mỗi bài văn, bài làm của các  của học sinh, thầy cô phải làm cho các em thấy nhược điểm, ưu điểm trong tính cách của mình để có hướng phát huy tích cực, sửa đổi hạn chế. Những lời phê thể hiện sự thấu hiểu của thầy với trò sẽ khiến các em được khích lệ rất nhiều. Một cô giáo kể rằng, đầu năm học, cô đã từng có ấn tượng không tốt với một em học sinh lôi thôi, nhếch nhác trong lớp. Nhưng khi xem hồ sơ của em, cô biết hoàn cảnh đặc biệt của em học sinh đó, em mồ côi, chỉ còn ông bà đã rất già…

Thay vì nghĩ em đó không chỉn chu, cô đã gần gũi, quan tâm và luôn tin em sẽ học tốt. Thế rồi, điểm số của em luôn đứng đầu lớp. Và trên từng chặng đường của cậu học trò ấy, cho tới khi cậu nhận bằng Tiến sỹ, cậu vẫn gửi thư cho cô giáo tiểu học: “Cô vẫn là cô giáo mà con yêu quý nhất”. Sau này khi chàng trai đó cưới vợ, mời cô giáo tới lễ thành hôn với vai trò đại diện gia đình, vì chàng trai không còn ai cả, chàng trai vẫn nói “ Cô là cô giáo con yêu quý nhất”, còn cô giáo đáp lại: “ Cô phải cảm ơn em, vì em đã dạy cô biết làm thầy”. 

Làm thầy rất khó

TS. Trần Nam Dũng, thầy giáo Toán của Đội tuyển quốc gia nhiều thế hệ  chia sẻ: “Làm thầy giáo thật ra rất khó. Ngoài chuyên môn, nghệ thuật và tình yêu, nhà giáo còn phải có đạo đức tốt. Ở bên Nhật, nếu giáo viên mà vi phạm Luật Giao thông, thì ngoài việc bị phạt như người thường, họ còn bị buộc ra khỏi ngành. Lập tức chứ không cần chờ đến lần vi phạm “thứ tư”. Người Nhật họ có lý khi đưa ra một tiêu chuẩn khắt khe cho thầy giáo. Nếu bản thân anh còn vi phạm, sao anh dạy được học sinh đừng vi phạm.

Hồi học ở bên Nga, tôi có đi học môn Đạo đức học. Người Nga đề cao sự trung thực. Vì thế, quan điểm của tôi có thể hơi gắt. Nhưng theo tôi, ta cần phải đưa ra khỏi ngành giáo dục những người như sau đây: gạ tình lấy điểm, gạ tiền lấy điểm, gian lận thi cử (như vụ thi THPT quốc gia năm rồi), ép học sinh học thêm với mình, đạo văn có hệ thống… Nhân vô thập toàn nhưng đạo đức mãi là nền tảng của người quân tử. Cũng là nền tảng của người thầy. Người có đức sẽ giàu có, hạnh phúc. Có thể không quá giàu có về tiền bạc, địa vị. Nhưng sẽ giàu có trong sự yêu kính”. 

Và năm học vừa qua, có một lá thư gây xúc động mạnh mẽ tới không chỉ học trò trường  THCS - THPT Đinh Thiện Lý, TP HCM. Đó là lá thư của cô giáo dạy Văn Nguyễn Minh Ngọc. Qua lá thư, cô đã thể hiện tất cả những mong mỏi và tình yêu với học trò mình: 

“Các con thương yêu! 

Khi đặt bút viết những dòng thư này cho các con, bỗng dưng trong tâm trí thầy cô xuất hiện hình ảnh các con của nhiều năm về trước. Sự rụt rè, ánh mắt ngơ ngác năm lớp 6, những giọt nước mắt chia tay bạn bè năm lớp 9, cảm giác lạ lạ, quen quen khi thay màu đồng phục năm lớp 10, hành trình gắn kết trong thương yêu những năm lớp 11, 12. 

Chặng đường chúng ta đã đi qua, cùng với nhau là phần đẹp nhất, là thanh xuân trong cuộc đời mỗi chúng ta...

Điều thứ nhất: Con là một người bình thường.

Trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh làm vĩ nhân đổi thay thế giới, còn lại đa số chúng ta là những người bình thường. Con nhớ đừng quên điều này để con không bị áp lực với bản thân. Con không đặt ra cho mình những điều to tát mà bỏ qua đi bao khoảnh khắc đáng trân quý mà mỗi người bình thường cần trải nghiệm. Như ánh nắng lấp lánh sau cơn mưa, như nụ cười rạng rỡ của ai đó, như bữa tối quây quần bên ba mẹ, như một ngày mắt mẹ cười đã xuất hiện nếp nhăn… Hãy nhớ, con là một người bình thường nhưng con là một người bình thường tử tế. Điều thứ hai: Con phải luôn sống là chính mình. Điều thứ ba: Con có thể sai. Hãy nhớ, tuổi trẻ, con có thể sai để con trưởng thành trong những cái sai…

Còn rất nhiều điều, thầy cô muốn nói cùng các con nhưng biết nói bao nhiêu cho đủ. Còn một điều nữa, điều quan trọng nhất, điều mà con đừng quên trong bài phát biểu dài này, điều ấy là: Thầy cô yêu tất cả các con!”…

Có thể nói, nghề giáo mãi mãi là một nghề đáng quý và trân trọng. Ở đó, các thầy cô, dù không sinh ra trò, nhưng khi họ đặt hết tình yêu và niềm say mê, họ có thể làm nên những kì tích. Chỉ cần yêu quý thầy cô, yêu quý môn học, cùng những khích lệ, thấu hiểu, một học sinh ngỗ ngược có thể lớn lên thành những con người tử tế. Và món quà mà họ mang theo suốt cuộc đời mình, sẽ là lòng biết ơn, sự kính trọng, khi trong những năm tháng đẹp nhất của thời thơ ấu, của tuổi thanh xuân, họ đã được gặp những người thầy đáng quý. 

Tất cả những điều ấy, bắt đầu từ những điều rất nhỏ, như mấy clip rất hay của giáo viên nước ngoài, cô giáo trẻ đứng múa với từng học sinh một  trước cửa lớp mình sau giờ tan học. Mỗi học sinh có điệu múa, điệu nhảy riêng, và giáo viên phải uốn theo em đó. Điều đó còn ẩn ý sâu xa, khi học sinh được chủ động chọn và cá nhân hoá điệu nhảy của mình, giáo viên phải tôn trọng và đi theo học sinh. Nghĩa là các em được tôn trọng tuyệt đối, theo từng cá tính riêng biêt. Và cô giáo nhớ được từng điệu múa chào của từng học sinh trong lớp, bởi cô đã yêu các em biết nhường nào… 

Tin cùng chuyên mục

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Đọc thêm

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội

Ảnh minh họa

(PLVN) - Ngày 19/4 là hạn để học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Điền phiếu đăng ký dự tuyển là một bước quan trọng đối với các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi quan trọng này.

Yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển con người

Ảnh minh họa
(PLVN) - Giáo dục mầm non (GDMN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới GD&ĐT, khi chủ trì phiên họp của Ủy ban về đổi mới phát triển GDMN đến 2030, tầm nhìn 2045, được tổ chức mới đây.