Nữ điệp viên nổi tiếng người Ba Lan và cái chết đầy ẩn ức

Christine Granville và bìa một cuốn sách viết về bà.
Christine Granville và bìa một cuốn sách viết về bà.
(PLO) -Nhiệt thành yêu nước và sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy miễn sao hoàn thành nhiệm vụ nhưng số phận của Christine Granville vào cuối đời lại vô cùng hẩm hiu.
 

 

Kỳ 10: Thế giới điệp viên và những câu chuyện thú vị 

Christine Granville sinh năm 1908, có tên khai sinh là Maria Krystyna Janina Skarbek. Là con gái của một gia đình quý tộc giàu có người Ba Lan, ngay từ khi mới được sinh ra, cô đã được hưởng một cuộc sống vô cùng sung túc.

Ấy thế nhưng thay vì vui thú với nữ công gia chánh như nhiều tiểu thư lá ngọc cành vàng khác, cô lại sớm tỏ rõ cá tính độc lập cùng sở thích những trò mạo hiểm như trèo cây, cưỡi ngựa, thậm chí là sử dụng dao và súng. 

Người phụ nữ yêu nước

Tính cách mạnh mẽ này có dịp phát huy tác dụng đối với Skarbek khi Ngân hàng Goldfeder của gia đình cô phá sản do cuộc suy thoái thời Chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi kho tiền cho cuộc sống xa hoa của gia đình không còn, cha của Skarbek bỏ vợ, con lại để đi tìm cuộc sống sung túc hơn. Phải nói thêm rằng, ngay từ đầu, ông này là người có địa vị xã hội nhưng không có tiền và ông ta kết hôn với mẹ Skarbek chỉ vì bà là người thừa kế Ngân hàng Goldfeder. 

Ở tuổi 21, vốn được sống trong nhung lụa nhưng Skarbek nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới trong một căn hộ nhỏ đi thuê cùng mẹ và anh trai. Để phụ giúp gia đình, ban đầu, cô xin vào làm phục vụ cho các quán bar và câu lạc bộ đêm.

Một thời gian sau, cô được nhận vào làm tại một đại lý của hãng ô tô Fiat. Dù cuộc sống vất vả nhưng sắc đẹp của Skarbek lại càng ngày càng mặn mà. Năm 1930, cô đi thi và giành ngôi Á hậu tại cuộc thi Hoa hậu Ba Lan. 

Vẻ ngoài của Skarbek đã khiến không ít khách hàng tại đại lý ô tô mê đắm. Một người trong số đó – doanh nhân giàu có Gustav, nhiều hơn Skarbek vài tuổi, thấp hơn cô vài phân nhưng lại có nhiều tiền - về sau trở thành người chồng đầu tiên của cô. Skarbek đồng ý kết hôn với Gustav chủ yếu hòng giúp mẹ cô có được một cuộc sống an nhàn hơn. Nhưng, với bản tính thích tự do của Skarbek và tính keo kiệt của nhà tư sản Gustav, cuộc hôn nhân của họ chỉ kéo dài được 2 năm. 

Người chồng thứ 2 của Skarbek là với một nhà ngoại giao nhưng có tính cách phóng khoáng. Vì thế nên cuộc hôn nhân này của cô diễn ra khá êm thấm. Tuy nhiên, vào tháng 9/1939, khi đang theo chồng tới châu Phi, Skarbek nghe được tin phát xít Đức đã xâm chiếm Ba Lan và nhanh chóng quyết định từ biệt chồng để trở về bảo vệ quê hương.

Nữ điệp viên dũng cảm

Từ châu Phi trở về, việc đầu tiên của Skarbek là tìm đến văn phòng cơ quan tình báo Anh xin được làm việc cho họ. Giới thiệu mình là một chuyên gia nhảy dù và là một nhà mạo hiểm cừ khôi, Skarbek tình nguyện nhảy dù vào Ba Lan khi đó đang bị Đức quốc xã chiếm đóng nhằm thúc đẩy tinh thần kháng chiến của người Ba Lan. 

Skarbek sau đó được tình báo Anh tuyển dụng vào đơn vị Hoạt động đặc biệt – đơn vị hoạt động ngay trong lòng địch với nhiệm vụ phá hoại và do thám do chính Thủ tướng Anh lúc bấy giờ Churchill thành lập. Bà được cấp hộ chiếu Anh với tên Christine Granville và được đặt cho mật danh “Willing”, thể hiện sự sẵn sàng tiếp nhận những nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm của bà. 

Đầu tiên, Granville được điều động tới Hungary. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi tới đây, bà đã kết nối và trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới tình báo Musketeers có nhiệm vụ đưa thư từ từ Ba Lan tới Anh qua ngả Hungary, Pháp cũng như đưa binh sỹ tới Ba Lan để chiến đấu cho quân Đồng minh. Chính nhờ mạng lưới tình báo này mà chính phủ Anh biết được hoạt động điều binh cho chiến dịch Barbarossa xâm chiếm Liên Xô của Đức quốc xã và có phương án đối phó. 

Năm 1942, Granville tiếp tục được điều nhảy dù tới Pháp để thiết lập đường dây gián điệp có tên Jockey với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về hoạt động quân sự của Đức Quốc xã ở Pháp, cùng lúc phát triển lực lượng du kích và tiếp nhận vũ khí được máy bay Đồng minh thả dù xuống.

Những câu chuyện về sự gan dạ, lòng quả cảm và cả trí thông minh vượt trội của bà trong quá trình này mỗi ngày một dài thêm. Trong mỗi chuyến đưa người vượt biên hay đưa thư, bà không ngại ngần vượt qua xác chết của người di cư tràn ngập trên những dãy núi, hối lộ lính canh để qua các trạm kiểm soát hay vượt qua làn đạn dày đặc từ chiếc máy bay Luftwaffe của quân địch đang điên cuồng dội bom xuống miễn sao hoàn thành được nhiệm vụ.

Thậm chí, có lần, sau khi bị tình báo Đức bắt giữ để điều tra, bà còn cắn lưỡi cho đến tóe máu để thuyết phục chúng rằng bà bị bệnh lao - một căn bệnh đáng sợ, có thể gây tử vong vào thời đó – để kẻ thù phải thả ra. 

Sự quyến rũ cũng là một vũ khí hiệu quả được bà dụng tới. Trong một lần đưa thư trên một chuyến tàu tới Warsaw, khi nhận thấy có binh lính kiểm tra hành lý của hành khách, bà đã ra lả lơi nói chuyện, khiến nhân viên của tình báo Đức tin tưởng và bỏ qua việc kiểm tra đồ dùng của bà. Có câu chuyện còn kể rằng không chỉ con vật mà cả con người cũng bị khuất phục trước bà.

Lần đó, khi bà đang đưa các binh lính vào Ba Lan thì vấp phải một đợt truy quét của quân Đức. Để truy tìm những người đang lẩn trốn, quân Đức xua những chú chó chăn cừu Alsatian hung dữ, đã được huấn luyện để chuyên cắn vào cổ đối tượng ra truy tìm. Một trong số những con chó đó đã phát hiện ra bụi cây mà Granville và những đồng đội của bà đang ẩn nấp.

Tuy nhiên, bất chấp những tiếng huýt sáo ra lệnh của quân Đức, thay vì thực hiện theo đúng mệnh lệnh, khi được Granville vuốt ve, con chó chỉ nằm dài ra tận hưởng và sau đó ngoan ngoãn rút lui.

Hành động quả cảm nhất của Granville diễn ra vào tháng 8/1944. Ở thời điểm đó, phát xít Đức đã nhận biết được những hành động gián điệp của bà nên đã phát đi những poster có chân dung bà để truy nã bà khắp nơi.

Ấy thế nhưng, khi Chỉ huy Lực lượng kháng chiến miền Bắc Pháp Francis Cammaerts và chỉ huy mới của lực lượng tình báo Anh tại Pháp Xan Fielding bị phản gián Đức bắt giữ và chuẩn bị đưa ra hành quyết, bà vẫn quyết định hóa trang thành người khác để thâm nhập vào tận nhà tù nơi đang giam giữ 2 người này. Sau khi dùng sự quyến rũ và tài ăn nói của mình để gây được lòng tin với người quản lý nhà tù, bà đã tích cực lập sơ đồ, lên phương án và tổ chức cho cả 2 người trên vượt ngục thành công. 

Những đóng góp của Granville cho cuộc chiến của quân Đồng minh được ghi nhận với việc bà đã được trao Huân chương Croix de Guerre và Huân chương George là 2 phần thưởng cao quý của quân đội Pháp và Anh.

Kết cục buồn thảm

Tuy nhiên, trớ trêu là, khi chiến tranh kết thúc, Granville lại lâm vào tình trạng bị bỏ rơi. Tình báo Anh cho bà nghỉ việc cùng một khoản tiền nhỏ. Chính phủ Anh lần lữa không cấp quyền công dân cho bà nhưng cũng tìm mọi cách để ngăn cản bà trở về Ba Lan. Không nghề nghiệp, cũng không thể trở về quê hương, bà buộc phải làm hầu bàn trong những nhà hàng ở London để kiếm kế sinh nhai.

Trong thời gian này, bà gặp tiểu thuyết gia Ian Fleming – người về sau viết nên loạt truyện về James Bond. Granville được cho chính là hình mẫu của nhân vật Vesper Lynd trong tiểu thuyết Sòng bạc hoàng gia của Fleming. 

Ấy thế nhưng Fleming sau đó lại cưới người phụ nữ khác. Bị người yêu bỏ, Granville sau đó còn bị xe tông. Trong cơn chán nản, bà quyết định xin làm phục vụ trên tàu viễn dương Rauhine. Một người phục vụ khác trên tàu đó là George Muldowney tỏ ra quý mến bà nhưng bà không mảy may động lòng và liên tục tìm cách từ chối. Để trốn tránh sự đeo bám của người này, bà thậm chí sau đó còn xin nghỉ việc và lên đất liền sinh sống.

Rạng sáng ngày 15/6/1952, khi Granville đang chuẩn bị rời nhà thì Muldowney xuất hiện. Ông ta một lần nữa ngỏ lời yêu bà và lại bị từ chối. Lời nói vừa buông khỏi miệng Granville, Muldowney đã lạnh lùng rút con dao thủ sẵn trong người ra đâm vào ngực bà. Granville gục xuống và qua đời ngay lập tức. 

Tuy nhiên, năm 1995, bà Vera Atkins – người từng chịu trách nhiệm tuyển dụng các điệp viên của tình báo Anh – trong một cuốn sách lại nói rằng chính tình báo Anh đã tổ chức sát hại Granville vì bà biết quá nhiều bí mật của cơ quan này, đặc biệt là việc họ tổ chức giết hại tướng Wladyslaw Sikorski - người đứng đầu chính phủ Ba Lan lưu vong tại Anh hồi năm 1943 cũng như để ngăn việc bà trở về Ba Lan.

Câu chuyện này được củng cố với việc Muldowney ban đầu bị kết án tử hình vì tội sát hại Granville nhưng sau đó được giảm án xuống còn chung thân và cuối cùng được thả ra chỉ 6 năm sau cái chết của nữ điệp viên anh hùng./.

Tin cùng chuyên mục

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM

(PLVN) - Sáng 19/4, Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức đã chính thức diễn ra. Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện với vai trò Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024-2025.

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.