Một Việt Nam rất “đời” trong ảnh Hoàng Minh Quốc

Một nhà báo, trên những bước chân tác nghiệp vội vã, đã kịp ghi lại những khoảng khắc đời sống, cảnh vật, con người trên mọi miền đất nước, đạt đến độ nghệ thuật không thua kém nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Một Việt Nam rất “đời”!

Một nhà báo, trên những bước chân tác nghiệp vội vã, đã kịp ghi lại những khoảng khắc đời sống, cảnh vật, con người trên mọi miền đất nước, đạt đến độ nghệ thuật không thua kém nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Một Việt Nam rất “đời”!

Nhà báo Hoàng Minh Quốc
Nhà báo Hoàng Minh Quốc

Ngày 16/6, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Tại Trụ sở Thông tấn xã Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) diễn ra khai mạc cuộc triển lãm “Việt Nam quyến rũ” của nhà báo Hoàng Minh Quốc. Đây cũng là buổi giới thiệu quyển sách ảnh cùng tên của anh.

Hoàng Minh Quốc sinh năm 1960, quê gốc Trà Vinh nhưng lại sinh ra ở Hà Nội do cha tập kết ra Bắc và lập gia đình ở đây. Sau đó, năm 1980, Quốc lại vào Sài Gòn sinh sống và làm báo. Do đó, Hoàng Minh Quốc - phóng viên Báo Ảnh Việt Nam "trộn" đầy đủ chất nghệ sĩ Bắc Hà và cái bù xù phóng khoáng đầy Nam Bộ. Cá tính kì lạ ấy được ghi dấu trong những bức ảnh của anh. Gọi là ghi vội qua ống kính trên đường tác nghiệp, thấy hay, đẹp là chụp, chứ không kịp canh, chỉnh, sắp đặt, hay nôm na theo cách gọi bặm trợn của anh là chụp... giật, nhưng ở mỗi bức ảnh đều ẩn chứa những sự thấu hiểu sâu sắc về vùng miền.

Không thể cứ “đi ngang mà chụp” mà lại có được những khoảnh khắc “Hà Nội ra Hà Nội” như thế, một ban mai mưa dầm, một gánh hàng rong bán rau củ ven phố khá tấp nập, người bán kẻ mua đều vận áo mưa lướt thướt, gương mặt người bán tươi rạng lên trong mưa vì đắt hàng; một chiều nhạt nắng, trước hiên ngôi nhà trong phố cổ, một cụ già đang ngồi cạo râu trước mảnh gương con đặt trên ghế gỗ...

Không hiểu về Sài Gòn, sao lại có được một Sài Gòn Noel trước Nhà thờ Đức Bà, phố phường rực đèn, vừa tĩnh vừa động; ở một ngả đường kẹt xe, đứa con gái nhỏ mang khẩu trang, ngủ gà gật trên tay lái, gương mặt người cha nhễ nhại mồ hôi pha lẫn bực dọc, và sau lưng là hàng người rồng rắn...

Rồi lũ trẻ miền Tây vui đùa mùa nước nổi, rồi người đàn bà Mù Căng Chải trong mùa gặt, ché rượu cần rộn rã lễ hội Tây Nguyên với sự góp mặt hào sảng của khách phương Tây... Một Việt Nam từng ngày thay da đổi thịt, đẹp rạng lên trong những vất vả cơm áo hiện ra trong ảnh Hoàng Minh Quốc.

Bức ảnh “Lễ hội Tây Nguyên”
Bức ảnh “Lễ hội Tây Nguyên”

Cũng chính vì thế mà ảnh của Quốc không khác các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về chất lượng nghệ thuật, nhưng lại khác họ ở chỗ ảnh của anh không chỉ có vẻ đẹp, cảnh đẹp Việt Nam mà có cả những bức ảnh xù xì, nghiệt ngã của cuộc mưu sinh, giành giật với đời. Nhưng ẩn sau những giọt mồ hôi, những lăn lóc bụi đường, bức ảnh vẫn chứa đựng một cái gì đấy rất nhân văn, cái mà có thể gọi là “vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước, con người, đời sống Việt”.

Hoàng Minh Quốc kể, mỗi bức ảnh, là chụp vội, là ghi lại một khoảnh khắc, nhưng hầu hết anh đều nhớ cái ấn tượng sâu sắc mà mình bắt gặp khi chụp. Một chuyến công tác Hà Nội, trên đường về Hà Tây (cũ), anh gặp một chiếc xe bò, một người đánh xe, người kia đẩy phía sau, mồ hội nhễ nhại. Lạ là người nông dân, chân dồn dập, miệng vẫn huýt sáo một điều nhạc không rõ, ra chiều vui vẻ lắm.

Một buổi mưa miền Tây, một lũ trẻ cả trai cả gái tắm mưa. Khi anh đưa máy ảnh lên chụp, bọn trẻ toét miệng cười, còn cô bé nhỏ xíu khoảng 9, 10 tuổi thì bẽn lẽn co ro đưa tay lên che người, khoảnh khắc ấy anh tưởng như đứng trước mình là một cô gái mười chín đôi mươi.

Rồi người đàn bà ôm bó lúa trong mùa gặt ở Mù Căng Chải, ngoái nhìn anh bằng một nụ cười rạng nắng, bất chấp mồ hôi đầm đìa. Quốc nói, vẻ đẹp ấy không chỉ lưu giữ trong ảnh, đó là cái đẹp làm anh rung động sâu sắc, giữ trong tim...

Chia sẻ cảm xúc của mình về ảnh Hoàng Minh Quốc, ông Lê Xuân Thăng - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nói: “Hoàng Minh Quốc sinh ra trong một gia đình nhiếp ảnh chuyên nghiệp, cha anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Minh Đường từng có nhiều đóng góp cho nhiếp ảnh Việt Nam.

Tôi biết anh từ những năm tuổi đôi mươi, khi ấy anh cầm máy như một bản năng nhà nòi. Rồi anh bôn ba, làm báo khắp Trung Đông, châu Phi, anh học hỏi để biến mình thành một tay ảnh chuyên nghiệp, sắc sảo. Những bức ảnh thuộc thể loại phóng sự - kí sự ảnh - một thể loại “khó nhằn” nhất, nhưng đã đúng nghĩa ảnh báo chí, vừa rất thời sự mà cũng rất nghệ thuật.

Tôi thường trăn trở trước những bưu ảnh được bày bán ở khu du lịch, nhà sách, vì đó toàn là của nhiếp ảnh nước ngoài chụp Việt Nam, họ kinh doanh cảnh mình ngay trên nước mình. Tôi hy vọng rằng, ảnh của Quốc sẽ được in thành bưu ảnh và bán cho du khách nước ngoài.

Với ý nghĩa này, quyển sách ảnh bao gồm 3 thứ tiếng Việt - Anh – Pháp, “Việt Nam quyến rũ” - “The Charm of Vietnam” - “Le Charme du Việtnam” thực sự xứng đáng là một đại sứ văn hóa. Bởi đây mới chính là Việt Nam đích thực trong con mắt người Việt...”.

Số tiền bán ảnh từ cuộc triển lãm sẽ được chuyển vào quỹ “Vì nỗi đau da cam” thuộc Thông tấn xã Việt Nam.

Ngọc Mai

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.