Độc đáo Sùng Nham tự

Sùng Nham tự là một ngôi chùa cổ ngót ngét 400 năm tuổi, nép mình bên dãy núi Nham Biền của xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Vẻ đẹp trang nghiêm của ngôi cổ tự này còn gắn liền với bao thăng trầm lịch sử, nhưng gần như chùa không được nhiều người biết đến bởi sự "ẩn mình" trong bảo tàng chứng tích văn hoá cũng như lánh xa trần thế trong cõi tu thanh khiết...

Sùng Nham tự là một ngôi chùa cổ ngót ngét 400 năm tuổi, nép mình bên dãy núi Nham Biền của xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Vẻ đẹp trang nghiêm của ngôi cổ tự này còn gắn liền với bao thăng trầm lịch sử, nhưng gần như chùa không được nhiều người biết đến bởi sự "ẩn mình" trong bảo tàng chứng tích văn hoá cũng như lánh xa trần thế trong cõi tu thanh khiết...

Nhưng có lẽ với một ngôi cổ tự như vậy, để cô tịch với thời gian e sẽ là một điều không nên với tiền nhân. Để giáo dục văn hoá và văn hoá Phật giáo cũng như ý thức gìn giữ di sản, và cũng để làm sống lại một phần lịch sử dân tộc mà Sùng Nham tự là một "chứng nhân" thì việc để bá tánh thập phương biết nhiều hơn đến chùa là một việc nên làm…

Linh khí bao đời

Trên bình diện lịch sử, Sùng Nham tự còn có tên gọi khác giản dị là chùa Kem, bởi chùa toạ lạc tại thôn Kem của xã Nham Sơn. Sử sách chép lại chùa được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, vào thế kỷ XVI, dưới triều Vua Lê Anh Tông. Vị sư tổ hưng công xây dựng chùa là bà Hoàng Thị Tuế, theo dòng thiền phái Trúc Lâm do Giác hoàng điều ngự Trần Nhân Tông sáng lập.

Thời gian hơn 400 năm, qua nhiều lần tu bổ và tôn tạo nhưng Sùng Nham tự vẫn giữ nguyên nét cổ, nhất là hệ thống hoa văn trang trí ở các đầu kê, vì kèo, con rường… mang đậm nét nghệ thuật điển hình của phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Đó là một điều đáng quý vì các nghệ nhân khi trùng tu vẫn tôn trọng tính nguyên bản của nó nên chùa vẫn giữ nguyên tính cổ. Trong lúc hàng loạt các di sản khác như chùa Trăm Gian thì bị "mới hoá" biến dạng.

Chùa Kem còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như bia đá tứ diện nói đến việc lập Hậu Phật, tạo năm Chính Hòa thứ 2 (1682), bia tháp Thanh Phong được lập vào tháng 11 năm 1775, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36. Ở chùa còn có một tấm bia có tên gọi “Tự sự bi ký” được tạo vào năm Thành Thái thứ 18 (1096). Ngoài ra hệ thống thờ tự nơi đây còn lưu giữ rất nhiều cổ vật quý giá của các thời kỳ khác nhau.

Sùng Nham tự ngoài là một không gian văn hóa Phật giáo, tín ngưỡng thì còn là một địa danh lịch sử quan trọng trong các cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Lịch sử Bắc Giang còn ghi từ năm 1884, Nguyễn Cao là người làng Cách Bi (Quế Võ- Bắc Ninh ngày nay) cùng nghĩa quân đã về đây xây dựng căn cứ chống thực dân Pháp. Đáng chú ý nhất, giai đoạn 1906- 1908, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã về đóng quân trong khu vực chùa, ông đã cho đắp lũy, làm nhà, tổ chức huấn luyện quân sự để xây dựng nơi đây thành căn cứ địa chống Pháp.

Hiện tại ở chùa Kem vẫn còn lưu lại những dấu tích này với tường lũy, nền nhà quan, giếng quan, trạm gác, cột cờ…

Một góc Sùng Nham tự
Một góc Sùng Nham tự

Nơi địa linh nhân kiệt

Từ góc nhìn địa phong thủy, Sùng Nham tự tọa lạc trên một dải đất có thế phong thuỷ hữu tình, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, không gian thoáng đãng. Núi Nham Biền chạy dài như một chiếc cầu thiên tạo nối liền đôi bờ của hai con sông Nhật Đức và Như Nguyệt của đất Kinh Bắc xưa. Đây là một dải núi ở gần phía chót của dãy núi Huyền Đinh - Yên Tử. Điểm đầu của dải Nham Biền là ở non cao Cảnh Thuỵ rồi tiếp đến 99 ngọn núi chạy dài tới dãy Bài Xanh, huyện Việt Yên.

Dải Nham Biền ở huyện Yên Dũng, theo quan niệm dân gian nhìn tượng trưng như hai con ngựa đứng bên nhau… từ xa trông về thấy khoảng cách giữa hai con ngựa hình thành lên một thung lũng nhỏ gọi là ải Nham Sơn mà phía trong khe núi, thuộc đầu ải này hàng trăm năm nay các tăng ni, Phật tử đã hưng công xây dựng nên ngôi cổ tự Sùng Nham. Ba mặt của chùa có núi cao bao bọc, giữa có dòng suối mát khai thông, mặt tiền hướng về phía cánh đồng Kem rộng lớn, nơi có con sông Cầu thơ mộng chảy qua. Tất cả tạo nên một cảnh sắc hết sức thơ mộng ở vùng địa linh này.

Hẳn là địa linh, bởi chính vùng đất Yên Dũng nơi có Sùng Nham tự và nhiều di tích văn hóa, lịch sử linh thiêng xưa nay cũng đã sản sinh ra nhiều “nhân kiệt”. Ở đây nổi tiếng với một truyền thống hiếu học và khoa bảng lâu đời. Đó là nơi tự hào là nơi sinh ra hai cha con tiến sĩ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích ở xã Song Khê, và là nơi ẩn chứa và phát tích tinh hoa của nhiều thế hệ.

Ở đây cũng đã nổi tiếng trong lịch sử với truyền thống giáo dục với một phương châm dạy con từ trong sách thánh hiền. Đó là  "Thiên kim di tử, bất như nhất kinh", nghĩa là để cho con ngàn vàng không bằng một quyển sách. Bởi vậy từ xưa Yên Dũng đã sinh ra và nuôi dưỡng hàng chục tiến sĩ làm nên niềm tự hào của một vùng quê hiếu học, truyền thống ấy đã và đang được các thế hệ người dân nơi phát huy một cách sáng ngời.

Ngày vui không chỉ của Nham Sơn

Chúng tôi về xã Nham Sơn nơi có chùa Kem khi người dân và chính quyền nơi đây đang hối hả chuẩn bị đón nhận Bằng di sản Quốc gia cho ngôi cổ tự sẽ diễn ra vào đúng ngày rằm tháng Tám năm nay.

Một chút buồn vì vị trụ trì vừa viên tịch được 49 ngày, tiếp chúng tôi tại chùa, thày Thích Đàm Nguyệt –Trụ trì mới, cho hay: “Ngậm ngùi thương cụ, giá cụ còn sống thêm để chứng kiến ngày vui này. Tôi về chùa hơn 20 năm nay rồi, chúng tôi là những đệ tử đi sau sẽ làm hết mình để làm rạng danh đạo pháp của Sùng Nham tự như ước muốn của cụ. Tôi cảm nhận được sự yên bình và tình cảm của người dân nơi đây dành cho chùa. Nhưng trở trăn thì vẫn còn nhiều lắm, vì qua bao thời gian, nhiều hạng mục của chùa đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là nhà Tổ.Tu sửa lại trên cơ sở bảo đảm tính nguyên trạng, nhất là phải giữ cho được những nét cổ của chùa là trăn trở lớn nhất của những người tu tập nơi đây…”.

Tác giả trò chuyện với Sư Trụ trì
Tác giả trò chuyện với Sư Trụ trì

Trao đổi với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Tạc, Chủ tịch UBND xã Nham Sơn cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các hoạt động văn hóa, giáo dục và tôn giáo ở địa phương. Sùng Nham tự được công nhận là di tích cấp Quốc gia là niềm vui lớn không chỉ của xã chúng tôi mà còn là niềm tự hào của người dân Bắc Giang.

Vấn đề là với một di tích được công nhận như vậy, phải phát huy thế nào cho xứng tầm văn hóa, giáo dục của nó là việc chúng tôi phải làm hết mình, đây không chỉ là việc của ngành văn hóa mà là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương chúng tôi.

Hiện hàng năm, chùa Kem tổ chức 3 hội lễ, vào các ngày 11 tháng 6, 21 tháng 8 và 21 tháng 10 tính theo âm lịch. Trong đó hội chính vào ngày 21 tháng 8. Khi di tích được công nhận cấp quốc gia, địa phương chúng tôi sẽ phải tư duy nhiều hơn để phát huy một cách tốt nhất những giá trị văn hóa, lịch sử từ chùa Kem mang lại…”

Với những giá trị của một di sản văn hóa cấp quốc gia, với một vị trí địa phong thủy linh thiêng và hữu tình và với một quyết tâm chính trị của chính quyền địa phương, chắc chắn Sùng Nham tự sẽ là một địa chỉ tâm linh trên con đường di sản Bắc Giang. Nằm trong tổng thể của những địa chỉ văn hóa khác như chùa Vĩnh Nghiêm, như thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đang xây dựng gắn với con đường hoằng pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chắc chắn những người mộ đạo khi đến Bắc Giang sẽ không thể không dừng chân tại cổ tự Sùng Nham.

Trần Ngọc Hà

Tin cùng chuyên mục

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.