“Báu vật sống” đau đáu gìn giữ hồn cốt điệu múa cổ đất Thăng Long

“Báu vật sống” đau đáu gìn giữ hồn cốt điệu múa cổ đất Thăng Long

Ngôi làng cổ Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, mà ở đây còn lưu giữ loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo là điệu múa “Con đĩ đánh bồng". Ông Triệu Đình Hồng (74 tuổi), nghệ nhân múa trống bồng cuối cùng làng Triều Khúc – người được dân làng truyền tụng qua câu thơ “Thân giai làm đĩ đánh bồng, làng này còn mỗi tay Hồng ấy thôi”.
 

Tìm về làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) vào một buổi chiều đầu xuân. May thay khi cả làng đang rục rịch chuẩn bị cho ngày hội truyền thống của làng. Tôi gọi đó là cơ duyên khi có cơ hội gặp nay được nghệ nhân múa trống bồng Triệu Đình Hồng giữa một đám đông nơi sân đình làng Triều Khúc. Khi ấy ông đang tất tả về trường THCS Triều Khúc gọi các cháu học sinh đi tập múa trống Bồng để phục vụ hội làng sắp đến.

Khác với tưởng tưởng của chúng tôi về một nghệ nhân già yếu – người mà tương truyền là “báu vật sống” giữ lại cái tinh hoa trong hồn cốt của điệu múa cổ “Con đĩ đánh Bồng”. Ở cái tuổi quá thất tuần, người nghệ nhân ấy vẫn giữ được cho mình sự nhanh nhẹn của trai làng Triều Khúc theo nghiệp hầu thánh suốt cả cuộc đời. Người nghệ nhân sở hữu giọng nói vang rền nụ cười tươi tắn luôn hiện hữu trên khuôn mặt hiền từ, say sưa trò chuyện với chúng tôi suốt dọc đường đi.

 

Gặp chúng tôi ông hồ hời, ông bảo ông mừng lắm khi có các cháu trẻ lại muốn tìm hiểu về điệu múa cổ của cha ông. Theo ông trên mạch đường làng dẫn về trường Triều Khúc, chúng tôi cũng tỏ tường nhiều điều về nguồn gốc của múa trống Bồng.

Về lịch sử của điệu múa trống bồng, ông Hồng kể, theo lịch sử ghi chép của làng, Đức thánh Phùng Hưng tự là Công Phấn, thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc, quê ở Đường Lâm, Sơn Tây, sinh ngày 25/11 năm Bính Tý (736). Ngài có sức khỏe phi thường đánh hổ, vật trâu, cõng thuyền nặng đi hàng dặm, có lòng từ thiện thường giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng.

Vào giữa thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3, dưới ách cai trị hà khắc của quân xâm lược nhà Đường, người dân bị đàn áp, bóc lột tới cùng cực. Với lòng yêu nước, trí dũng song toàn. Phùng Hưng đã cùng hai anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh đã nổi dậy tập hợp nghĩa quân làm chủ Đường Lâm, rồi đánh chiếm cả một vùng rộng lớn quanh vùng xây dựng thành căn cứ chống giặc. Một trong những căn cứ ấy được xây dựng ở Trang Khúc Giang (Triều Khúc ngày nay). Nơi đây là một trong những căn cứ xuất phát của nghĩa quân Phùng Hưng tiến vào vây hãm thành Tống Bình khiến cho Cao Chính Bình, quan cai trị của nhà Đường bị thua đau phát bệnh mà chết.

 

Sau khi vỗ yên trăm họ, ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (728) Phùng Hưng đăng quang lên ngôi vua và mất năm Mậu Thìn 788. Tiếp nối cha, con của Phùng Hưng là Phùng An lên ngôi và tôn cha làm Bố Cái đại vương và cho các bậc hiền thần đi tìm những nơi có dấu tích của cha để lập miếu thờ. Nhà vua đã cử người về Triều Khúc cắm đất năm Canh Ngọ 790, đến mùa xuân năm Tân Mùi 791 mới bắt đầu dựng miếu trên gò “Lĩnh Hán”. Đây chính là nơi xưa Phùng Hưng đặt Đại bản doanh – đình làng Triều Khúc ngày nay.

Theo lời kể của ông Hồng nghe từ các bậc cao niên trong làng, tương truyền khi Phùng Hưng khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đường, mỗi khi thắng trận để tổ chức ăn mừng chiến thắng và khích lệ tinh thần của nghĩa quân, vua Phùng Hưng đều cho trai tráng là binh sỹ đóng giả con gái đeo trống nhỏ để múa hát và điệu múa trống Bồng ra đời từ đó.

Phát tích trên đất Triều Khúc, nên từ đó múa trống bồng trở thành điệu múa truyền thống của làng. Chính bởi vậy mà mỗi năm, làng Triều Khúc mở hội đều không thể thiếu “món đặc sản” múa “Con đĩ đánh bồng”. Nhiều người bảo rằng, không đâu có người múa đẹp và đúng điệu trống bồng như trai làng Triều Khúc. Những thế hệ trai làng hiện nay tiếp tục theo múa trống bồng cũng đều một tay nghệ nhân Triệu Đình Hồng rèn giũa mà nên.

 

Nhớ lại thời điểm biết và bén duyên với múa trống bồng, ông Hồng bảo: “Năm lên tám, lên chín, khi còn là cậu bé quần đùi, áo may ô, tôi đã chạy theo các bậc cha anh đi học điệu múa này. Lúc đó là cuộc kháng chiến chống Pháp vừa thành công, đất nước vừa giải phóng, tôi đã nuôi niềm ao ước về điệu múa từ thời đó. Và khi tôi trưởng thành 20 tuổi, được các cụ trong làng vận động cho vào đội múa, tôi đã say mê, luyện tập ngày đêm trở thành một nghệ nhân múa trống bồng giỏi, thứ nhất là phục vụ Thánh, thứ hai là phục vụ dân làng”.

Cũng theo lời kể của ông Hồng, đời sống ngày trước của thế hệ các cụ làng Triều Khúc gặp nhiều khó khăn, không có nhiều điều kiện để tổ chức múa hát linh đình được. Đến năm 1975 đất nước thống nhất, điệu múa trống Bồng của làng mới bắt đầu được khôi phục lại. Ở thời điểm có vốn sẵn mê thích điều múa cổ của làng, cộng thêm được chính bố, mẹ ông là người đã khuyến khích, động viên nên ông đã mạnh dạn tham gia múa trống Bồng tại hội làng 12 tháng Giêng năm 1975. Khi ấy, ông mới có đôi mươi.

 

Theo lệ làng, không phải ai muốn là được múa. Để đạt tiêu chuẩn có mặt trong đội múa trống bồng, những thanh niên trong làng phải được tuyển chọn kỹ lưỡng. Vì múa trống bồng là điệu múa hầu thánh nên điều kiện để vào đội múa trống bồng phải là trai tân, có đạo đức, tính nết hiền lành, được mọi người trong làng quý mến và gia đình không có việc tang, nếu có tang phải 3 năm sau mới tiếp tục được tham gia múa trống bồng.

Nghệ nhân Triệu Đình Hồng luôn cảm thấy may mắn khi được dân làng, các cụ cao niên trong làng tin tưởng trọn mặt gửi vàng để học hỏi những tinh hoa của điệu múa nam giả nữ vô cùng độc đáo. Ông luôn tâm niệm điệu múa trống bồng chọn mình như việc nghề chọn người. Từ đây, trải qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm của thời gian, người nghệ nhân ấy vẫn luôn giữ trong mình niềm mê say với điệu múa uyển chuyển mang hồn cốt của lịch sử dân tộc một thời vang bóng.

 

Bén duyên với điệu múa trống bồng từ khi mới đôi mươi, đến nay nghệ nhân Triệu Đình Hồng đã có hơn 50 năm theo đuổi múa trống bồng. Ông là nghệ nhân còn lại duy nhất tại làng Triều Khúc còn giữ được những nét đẹp tinh túy nhất của điệu múa cổ này.

Khi được hỏi về sự độc đáo, khác lạ của điệu múa “con đĩ đánh bồng”, nghệ nhân Triệu Đình Hồng chia sẻ: “Điệu múa trống bồng này mang tính chất độc đáo, không như các điệu múa khác, đặc biệt là các điệu múa tuổi trẻ hiện nay. Múa trống bồng có nét riêng, duyên dáng, uyển chuyển, có tình người của con người đồng bằng Bắc bộ thời xa xưa. Thường thường, người ta nói câu cửa miệng “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”. Tại sao lại lẳng lơ? Là vì điệu múa này là trai giả gái để múa, nó độc đáo và khác biệt hơn các điệu múa trống bồng trên toàn quốc.

 

Không chỉ có vậy, không điệu múa nào có động tác đặc biệt như múa trống bồng. Động tác vừa mạnh mẽ, dứt khoát lại có trong đó sự uyển chuyển, mềm mại. Tay đưa lên, chân khua lại, tay hạ xuống chân khua ra, phải phối hợp làm sao để tay chân mềm mại, để dài lụa tung tăng gắn bên hông tung tăng trong gió. Điểm khác nữa là múa trống bồng theo cặp, phải phối hợp làm sao để cả hai người không thị chệch nhịp, người bên nọ người bên kia như thế là múa hỏng. Bởi vậy mà đâu phải ai cũng múa được trống bồng, ngày xưa tuyển múa là vinh hạnh của cả làng”.

Nhiều người thường thắc mắc về cái tên dân gian của điệu múa bồng là “con đĩ đánh bồng”. Một cái tên thực sự gây nhiều hiểu lầm và nhạy cảm. Thế nhưng đối với ông Hồng vẫn “rất cảm động với câu nói dân gian, con đĩ là gái mà, là nữ giới, chứ không phải con đĩ là làm việc này, việc kia. Mà đã là con gái là từ đầu tới chân toát lên vẻ nữ tính. Vì vậy, trước khi múa, người nghệ nhân là nam giới phải trang điểm, mặc váy vó như một người phụ nữ. Đây cũng là điều làm nên nét độc đáo của điệu múa này”, ông Hồng chia sẻ.

 

Trước những chuyển biến của thời đại, sự hội nhập của nhiều lối sống văn hóa mới, múa trống bồng cũng như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác đang đứng trước nguy cơ mai một khi thế hệ kế cận không mấy mặn mà. Chưa kể đến, việc phát triển múa trống bồng tại làng Triều Khúc còn gặp rất nhiều khó khăn. 

Ông Hồng kể: “khó khăn nhất của chúng tôi là về trang phục, vì đây là điệu múa không chuyên, không có ai bảo trợ. Phấn son, quần áo, đạo cụ tôi đều phải tự chuẩn bị. Thêm khó khăn nữa là khi ra ngoài, không gọi được người biểu diễn, vì đặc thù làng Triều Khúc là một làng nghề cổ, họ kiếm được nhiều tiền từ làm nghề truyền thống, mà khi đi biểu diễn thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian của họ”.

Dẫu còn bao khó khăn nhưng nghệ nhân Triệu Đình Hồng vẫn luôn tâm niệm: “Mặc dù khó khăn chồng chất, nhưng niềm say mê của tôi thắng tất, không bao giờ tôi từ bỏ”. Điều này minh chứng bằng việc, từ ngày được dân làng bổ nhiệm chủ nhiệm câu lạc bộ múa trống bồng, ông đã cố gắng đưa điệu múa này vào các trường cấp một, cấp hai, trung học phổ thông Tân Triều, dạy từ 2010, và đến nay nghệ nhân Hồng đã dạy được sáu khoá với sự giúp đỡ của nhà trường.

 

Dành cả cuộc đời để gìn giữ điệu múa cổ của dân tộc và truyền dạy cho thế hệ kế cận, người nghệ nhân già vẫn luôn đau đáu là làm sao, bằng cách nào để có thêm nhiều “cháu trẻ hứng thú với điệu múa của dân tộc, bảo tồn và phát triển nó”. Nói đến đây, nghệ nhân Triệu Đình Hồng giọng trùng xuống. Đằng sau một vẻ ngoài đã in dấu ấn của thời gian trên khuôn mặt của người nghệ nhân già sẽ vẫn cháy mãi ngọn lửa của tình yêu, niềm mê say với điệu múa trống bồng, với tinh hóa văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đọc thêm

longformBình yên mùa hoa gạo tháng 3

Bình yên mùa hoa gạo tháng 3
(PLVN) - Cứ tháng 3 hàng năm hoa gạo lại đua nở tạo nên nét đặc trưng của miền quê Bắc bộ. Hoa gạo nở cũng kéo theo cái vẻ yên bình vốn có của nó khiến bao người háo hức chờ đợi.

longformPhụ nữ hãy cứ cố gắng gấp 3 người thường!

Phụ nữ hãy cứ cố gắng gấp 3 người thường!
Nói đến Vietjet, hẳn ai cũng nghĩ ngay đến CEO tài tình của hãng hàng không này - bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Những chia sẻ của bà về quan điểm chuyện việc, chuyện đời dưới đây sẽ hiểu giúp bạn hiểu hơn về nữ tỷ phú trẻ tuổi này.

longformKhát vọng làm giàu từ nến của ông bố đơn thân

Khát vọng làm giàu từ nến của ông bố đơn thân
“Bố mẹ tôi càng ngăn cản tôi càng làm, bởi tôi muốn chứng minh cho mọi người và 2 con của tôi thấy, tôi làm được để 3 bố con không phải ăn cơm với rau dại, trứng rán qua ngày”. Đến hôm nay, mục tiêu ấy anh không chỉ vượt qua mà còn vượt xa ngoài mong đợi, anh là Dương Hoàng Thông, ông bố đơn thân đổi đời từ nến với 2 bàn tay trắng.