Độc đáo ngôi làng cổ “trăm hoa đua nở”

Những hình ảnh rực rỡ sắc màu của ngôi làng Zalipie
Những hình ảnh rực rỡ sắc màu của ngôi làng Zalipie
(PLO) -Ở ngôi làng cổ nhỏ bé Zalipie được biết đến là ngôi làng “trăm hoa đua nở”, độc đáo có một không hai ở Ba Lan. Ngôi làng xinh xắn này là một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu ở Ba Lan, không phải vì ở đây có khách sạn 5 sao hay các tòa nhà kính lớn, mà chỉ đơn giản là những ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn, được sơn vẽ những màu sắc vô cùng rực rỡ. 

Được biết, Zalipie được những người yêu du lịch khám phá gọi là ngôi làng màu sắc nhất châu Âu, là kho báu vô giá của Nam Ba Lan. Được gọi như vậy là bởi mỗi ngôi nhà trong làng đều được chính những bàn tay khéo léo của các bà nội trợ  trang trí, vẽ vời những họa tiết hoa và dây leo vô cùng rực rỡ. 

Sơn vẽ khoe vẻ đẹp ngôi nhà

Bà Danuta Dymon đang ngồi bên đường, vẽ hoa trên hàng rào của nhà bà. Bà đã làm công việc này từ hồi trẻ cho đến giờ đã 70 tuổi và luôn coi đây là niềm vui của cuộc đời mình. “Như bạn thấy đấy, ngôi nhà của tôi ngập tràn hoa, lá với đủ mọi màu sắc rực rỡ”, bà vừa nói, vừa cười hạnh phúc khi nhìn về ngôi nhà của mình. 

Không chỉ vẽ, xung quanh nhà cũng được bà trồng rất nhiều loại hoa khác nhau từ tường, mái nhà, nhà vệ sinh... và tận dụng mọi loại đồ vật khác nhau như ấm nước, muỗng gỗ, rèm cửa, gối, nồi, ca nước, các loại chai lọ… để tạo nên một bức tranh sống động, thật có giả có nhưng vô cùng hài hòa và thu hút ánh nhìn. 

Năm ngoái, có khoảng 25.000 du khách từ Nhật Bản, Mỹ và các nước xa xôi trên thế giới đã tới thăm ngôi làng 700 người này để ngắm nhìn những bông hoa rực rỡ, đắm chìm trong những ngôi nhà đẹp như cổ tích giữa cánh đồng ngô, bắp cải và dâu tây. 

Theo người đứng đầu trung tâm cộng đồng địa phương là bà Wanda Chlastawa, truyền thống bắt đầu vào cuối thế kỷ 19. Dân làng nghĩ ra cách làm độc đáo này để che đi những bức tường ẩm ướt, bị ám đầy bồ hóng và khói bếp. Ngày xưa dân trong vùng dùng củi và bếp lò là công cụ chính để sưởi ấm, nấu nướng.

Những hình ảnh rực rỡ sắc màu của ngôi làng Zalipie
Những hình ảnh rực rỡ sắc màu của ngôi làng Zalipie

Mặc dù đã có ống khói nhưng những lớp bồ hóng vẫn còn để lại vương vấn trên tường nhà. Các bà nội trợ đã dùng vôi để che đi khu vực xám đen đó. “Phụ nữ sẽ lấy một cọ vẽ tự làm, nhúng vào vôi và vẽ thành những bông hoa hoặc một khóm hoa để bức tường trở nên đẹp mắt và sáng sủa hơn”.

Ban đầu, các hoa văn cũng chỉ giới hạn ở 3 màu đen, trắng và màu be (được làm từ vôi, bồ hóng và đất sét). Cọ vẽ cũng chỉ là các nhánh cây bạch mã, lông đuôi bò hoặc là dùng các sợi dây kết lại với nhau thành cọ. Phẩm màu cũng chỉ là từ mỡ động vật trộn với thuốc nhuộm, do vậy mà không bền màu, nhất là vào những ngày mưa lớn cuốn trôi đi hết và họ lại phải sơn vẽ lại từ đầu. 

Bản sắc của Zalipie

Hằng năm vào mỗi dịp lễ hội đến, họ phải dọn dẹp làm mới tổ ấm của mình. Từ đó ý tưởng vẽ những hoa lá trên tường nảy sinh. Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, xã hội ngày càng phát triển và cách nấu ăn theo kiểu cũ không còn nữa, bếp lò cũ được thay thế bằng ống khói và hệ thống thông gió sạch sẽ và hiện đại hơn, việc sơn vẽ những bức tường xấu bẩn không còn cần thiết, nhưng truyền thống này vẫn không bị mai một mà được biến đổi thành các hoạ tiết trang trí toàn bộ nhà cửa.

Giờ đây, sơn vẽ dần dà trở thành bản sắc của Zalipie và hầu hết  phụ nữ trong làng đều muốn gìn giữ nó qua nhiều thế hệ. Một điều tuyệt vời mà truyền thống này mang lại cho mọi người trong làng đó là sự đoàn kết, yêu thương và gắn bó với nhau hơn. 

Sáng tạo là không có giới hạn, những người phụ nữ của làng từ khi bắt đầu biết sơn vẽ cho đến giờ vẫn luôn muốn ngôi làng được đẹp đẽ hơn và sặc sỡ hơn. Chỉ cần một người mày mò ra một loại họa tiết mới lạ là tất cả phụ nữ trong làng đều sẽ học theo và thực hành bất cứ chỗ nào phù hợp. Không chỉ sơn ở nhà, mà họ còn sơn vẽ ở các nhà thờ, trường học và trung tâm công cộng của làng. 

Những hình ảnh rực rỡ sắc màu của ngôi làng Zalipie
Những hình ảnh rực rỡ sắc màu của ngôi làng Zalipie

Không những thế, các loại sơn tốt hơn, nhiều màu sắc hơn, bám màu hơn. Mọi người cũng bắt đầu sáng tạo ra nhiều họa tiết và hoa văn khác nhau với nhiều màu sắc độc đáo, bắt mắt. Sơn vẽ giờ không chỉ dừng lại ở những bức tường bám khói mà là mọi ngóc ngách trong ngôi nhà, từ chuồng gà, cầu thang, nhà vệ sinh, hàng rào, ngay cả sân và sàn nhà cũng ngập tràn hoa.  

Trong nhiều thập kỷ, làng còn tổ chức các cuộc thi vẽ tranh vào mỗi mùa xuân trong lễ hội Corpus Christi, sẽ có một hội đồng là những người có kinh nghiệm vẽ lâu đời nhất trong làng làm ban tổ chức và trao giải thưởng. Mọi người ai cũng có thể đăng ký tham gia, từ phụ nữ cho tới nam giới cạnh tranh nhau để được trao vương miện “họa sĩ hoa” của làng. 

Được biết cuộc thi này mang tên Malowana Chata, bắt đầu được tổ chức từ những năm 1948 với mục đích ban đầu là nhằm nỗ lực hơn nữa để giúp đất nước phục hồi sau cơn ác mộng của Thế chiến II, khiến 17% dân số Ba Lan thiệt mạng. Mỗi năm, những bông hoa, dây leo sẽ được tô lại sau dịp Corpus Christi, bởi đó là thời điểm nông nhàn.

Muốn lưu truyền muôn đời

Bà Wanda Chlastawa năm nay 78 tuổi nói rằng, “Mẹ tôi đã dạy tôi vẽ tranh từ thời ấu thơ rồi con gái tôi cũng bắt đầu vẽ tranh khi còn là một đứa trẻ, bây giờ cháu gái tôi cũng được mẹ nó truyền lại, truyền thống này được chúng tôi lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là truyền thống tốt đẹp nhất của làng và chúng tôi muốn nó được lưu truyền muôn đời”. 

Bà Anna Owca, 44 tuổi, sống trong làng nhưng lại không được sinh ra từ đây mà là kết hôn với một người trong làng. “Khi tôi về nhà chồng, tôi thực sự bất ngờ và thích thú vì trong nhà chỗ nào cũng có hoa, lúc ấy tôi 19 tuổi”. Tôi rất yêu ngôi nhà của mình và yêu luôn cả ngôi làng mình đang sống, lúc nào tôi cũng lo rằng nếu mẹ chồng tôi mất đi thì ai sẽ là người tiếp tục giữ gìn nét đẹp ngàn hoa của ngôi nhà.

Do vậy mà tôi cũng bắt đầu học vẽ, ban đầu tôi chỉ biết tô màu lên hoa và lá, nhưng sau đó 1 năm, 2 năm sau tôi cũng biết vẽ tranh và trở thành niềm đam mê trong tôi từ lúc nào không hay”. Tôi nhớ chồng tôi từng cười đùa và nói rằng, “Thật là thú vị và tuyệt vời, anh sinh ra trong ngàn hoa và nếu chết cũng sẽ chết trong rừng hoa. Đúng là có một không hai!”. 

Những hình ảnh rực rỡ sắc màu của ngôi làng Zalipie
Những hình ảnh rực rỡ sắc màu của ngôi làng Zalipie

Ở làng còn có một ngôi nhà đặc biệt của bà Felicja Curylowa (1904 - 1974), Bà Felicja Curylowa được biết là người đã cố gắng giữ lại và phát triển truyền thống này. Bà đã trang trí mọi mặt trong ngôi nhà của mình, từ trong ra ngoài, từ vật dụng nhỏ cho đến lớn với những nét vẽ hết sức tinh xảo. Sau khi bà chết đi, ngôi nhà xinh đẹp được dân làng gìn giữ và trở thành bảo tàng- một điểm tham quan cho khách du lịch có thể chiêm ngưỡng. 

Bảo tàng và những căn nhà trong vùng không được tạo nên với mục đích thu hút khách du lịch. Dân làng chỉ đơn thuần yêu thích và muốn duy trì nét văn hóa độc đáo của họ từ nhiều đời nay. Tuy vậy, ngày càng có nhiều du khách nghe tiếng và tìm đến để một lần được tận mắt ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật rất tự nhiên chứa đầy hơi thở cuộc sống.

Có thể nói, đi đến Zalipie là cách hoàn hảo nhất để con người ta thoát khỏi cuộc sống xô bồ nơi thành thị tấp nập, giúp cơ thể được thư giãn, thoải mái và để tận hưởng cuộc sống và trải nghiệm loại hình nghệ thuật độc đáo của ngôi làng cổ này.../. 

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.