27 năm vừa xoay xở nuôi quân, vừa kiên cường chống bất công o ép

Ông Phan Ngọc Mậu, Giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc
Ông Phan Ngọc Mậu, Giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc
(PLO) - Nhờ quan niệm thương người lao động như thương thân mình, thái độ dứt khoát, dám nghĩ, dám làm, ông Mậu đã cứu Tân Lộc khỏi nguy cơ phá sản. Thế nhưng một “cuộc chiến” mới lại nổ ra. Lần này khó khăn o ép đến từ phía chính quyền địa phương, là nơi lẽ ra phải nâng niu trân trọng giúp sức cho doanh nghiệp.

Nghe giọng qua điện thoại, không ai nghĩ năm nay vị Giám đốc này đã 66 tuổi. Tới lúc gặp mặt, mới biết ông đã nhận sổ hưu. Thế nhưng dù không muốn, ông vẫn phải ngồi ghế Giám đốc công ty, vì câu chuyện oái oăm rất hiếm gặp trong một xã hội thượng tôn pháp luật; rất hiếm gặp trong thời kỳ Nhà nước ưu đãi khuyến khích sự phát triển thương mại, doanh nghiệp. 

Ông kể đó là hai “cuộc chiến” lớn nhất đời ông: Vừa xoay xở chuyển đổi ngành nghề cho thích nghi với nền kinh tế thị trường, vượt qua khủng hoảng, kiếm tiền nuôi quân; vừa kiên cường trước những bất công o ép từ phía chính quyền địa phương gây ra với doanh nghiệp. 

“Cuộc chiến” trên thương trường

Ông Phan Ngọc Mậu (SN 1952) làm Giám đốc, kiêm Bí thư Chi bộ Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc (trụ sở quốc lộ 1A, phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) từ tháng 4/1991 đến nay.  

Năm 1991, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định sáp nhập hai xí nghiệp: Xí nghiệp dâu tằm tơ Hàm Tân (Bình Thuận) và Xí nghiệp dâu tằm tơ Xuân Lộc (Đồng Nai) thành Xí nghiệp dâu tằm tơ Tân Lộc. Năm 1993, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc.

Ngành nghề chính của Tân Lộc là phát triển vùng nguyên liệu dâu tằm, ươm tơ, sấy kén để chuyển về Tổng công ty. Mới vừa về nhận công tác được một năm nhưng ông Mậu đã phát triển vùng nguyên liệu nhiều và rộng lớn. Lúc đó ngành dâu tằm đang phát triển không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, vùng nguyên liệu của nhà máy có diện tích 8.000 ha với hàng vạn nông dân làm đối tác. Nhà máy có 250 công nhân.

“Do nhu cầu mở rộng hoạt động, Tân Lộc cần có nhà máy ươm tơ. Ngày 29/5/1992, Tân Lộc khởi công xây dựng nhà máy ươm tằm tơ phía sau. Đầu tiên là xây dựng nhà sấy kén, sau đó xây nhà máy ươm tằm tơ. Tuy nhiên, công việc bị trì hoãn do lúc đào móng phát hiện hài cốt liệt sĩ”, ông Mậu kể lại.

Trong lúc đó nông dân đang ùn ùn đưa kén về Tân Lộc để ươm tơ, việc tìm kiếm hài cốt trên khu đất có thể kéo dài nhiều năm chưa biết đến bao giờ mới xong. Nếu công ty ngừng hoạt động, không chỉ vi phạm hợp đồng với nông dân trồng dâu nuôi tằm, mà công nhân sẽ thất nghiệp, thiệt hại lớn, ông Mậu phải mượn văn phòng của một doanh nghiệp gần đó để làm văn phòng tạm. Đồng thời, ông đề nghị tỉnh Đồng Nai bán phần đất có diện tích 13.700m2 của trại ong mật Long Khánh kế bên phần đất công ty đang được đào xới để tìm hài cốt liệt sĩ. Đồng Nai đồng ý, ra quyết định giao đất. Tân Lộc mua và khởi công nhà máy ươm tơ.

Từ năm 1992 – 1995, Tân Lộc phát triển cực thịnh, với hơn 450 công nhân và vùng nguyên liệu lên đến hơn 8.000 ha bao gồm các tỉnh Đông Nam bộ, Bình Thuận, Bến Tre... Thời điểm đó, công nhân ở Tân Lộc có thu nhập ổn định, thuộc diện nhất nhì địa phương. Lương công nhân cao hơn so với nhiều doanh nghiệp nhà nước khác nên nhiều người  tìm đến Tân Lộc xin đầu quân.

Ông Mậu hồi ức: “Tân Lộc có hai loại vùng nguyên liệu. Ở Xuân Thọ (Xuân Lộc) và Tánh Linh (Đồng Nai), Bộ Nông nghiệp cho vay tiền không lãi để Tân Lộc khai hoang rồi giao cho người dân kinh tế mới làm dâu tằm. Loại vùng nguyên liệu thứ hai là đất của dân, Tân Lộc cử cán bộ xuống đầu tư về kỹ thuật, hom giống, vốn, nhà nuôi tằm, giống tằm… Nông dân trả lại tiền vay bằng kén tằm, cứ trả dần dần. Tân Lộc và người dân trồng dâu nuôi tằm cùng hợp tác dựa trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Cả hai hình thức, công ty đều bao tiêu cho nông dân với giá thỏa thuận ngay từ ban đầu”. Thời điểm hưng thịnh của ngành tơ tằm, Tân Lộc ăn nên làm ra, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, thu lợi cho Nhà nước.

Không chấp nhận phá sản

Tuy nhiên, đến năm 1996, ngành tơ tằm Việt Nam và cả thế giới rơi vào khủng hoảng. “Năm đó công ty đã ký hợp đồng bao tiêu với người dân. Mỗi ký kén là 18.000 đồng. Tám ký kén mới tạo ra được 1 ký tơ. Nếu giá hơn 300.000 đồng/ký tơ như mọi năm thì có lãi. Nhưng năm đó, 1 ký tơ chỉ còn 120.000 đồng nên công ty lỗ thê thảm. Riêng năm 1996, công ty lỗ 5 tỷ đồng, càng mua càng lỗ”, ông Mậu hồi ức.

Dừng sản xuất là vi phạm hợp đồng với nông dân, Tân Lộc phải bồi thường số tiền rất lớn nhưng phải chấp nhận. Nông dân chặt bỏ cây dâu, khiến số tiền Tân Lộc đầu tư khoảng 18 tỷ vào vùng nguyên liệu mất trắng, không đòi được. Những hệ thống máy móc ở công ty nhiều tỷ đồng cũng chung cảnh phải “đắp chiếu”.

“Chuyển đổi ngành nghề hoặc là chết”. Ông Mậu không đang tâm nhìn thấy cảnh công ty phá sản, nhân viên tứ tán, công nhân mất việc. Và đằng sau đó là hàng ngàn bát cơm, manh áo của hàng trăm gia đình. 

Đúng thời điểm đó, Tân Lộc lọt vào danh sách những doanh nghiệp nhà nước phải cho phá sản. Nghiên cứu lại các quy định pháp luật, xem xét lại tình hình công ty, ông thấy doanh nghiệp do mình chèo lái không có các điều kiện tương ứng. Vị Giám đốc khiếu nại khắp nơi, và cơ quan chức năng cuối cùng phải thừa nhận, tuyên hủy các quyết định đã ban hành.

Ông Mậu thân chinh ra Hà Nội, đề nghị Bộ Nông nghiệp bổ sung cho Tân Lộc thêm ngành nghề kinh doanh tổng hợp. Dù vẫn giữ tên Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc, nhưng công ty hợp tác gia công may mặc với Malaysia từ năm 1997 – 2001. Nhà máy ươm tơ chuyển làm xưởng may. Lúc đó có trên dưới 400 công nhân.  

Đến năm 2002, hết hợp đồng với Malaysia. Tân Lộc chuyển sang hợp tác với nhiều công ty khác như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng may mặc cho tới năm 2007. Năm 2008, Tân Lộc lại chuyển sang hợp tác gia công linh kiện điện tử cho một công ty nước ngoài.  

Mặc dù khó khăn chồng chất từ kinh tế cho đến thủ tục hành chính, nhưng những thời điểm khó khăn cơ cực nhất đã qua, công ty vẫn thu hút nhiều lao động. Năm 2011 công ty thu hút 1.000 công nhân làm việc. Công nhân được giải quyết chế độ chính sách đúng như pháp luật, được đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, được ký hợp đồng làm việc như luật định. Tuyển dụng đạt thì ký hợp đồng hai tháng, sau đó ký hợp đồng một năm rồi không thời hạn. Tiền lương chưa khi nào nợ công nhân. Hiện Tân Lộc có 180 công nhân, thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. 

Nhờ quan niệm thương người lao động như thương thân mình, thái độ dứt khoát, dám nghĩ, dám làm, ông Mậu đã cứu Tân Lộc khỏi nguy cơ phá sản. Thế nhưng một “cuộc chiến” mới lại nổ ra. Lần này khó khăn o ép đến từ phía chính quyền địa phương, là nơi lẽ ra phải nâng niu trân trọng giúp sức cho doanh nghiệp.

“Cuộc chiến” chống sự o ép của địa phương 

Ông Mậu cho hay, “cuộc chiến” này khởi nguồn từ thời điểm Tân Lộc bị lọt vào danh sách công ty định cho phá sản. Có lẽ công ty nằm ở vị trí đẹp, nên người ta rắp tâm lấy đất phục vụ cho mục đích khác, cho “lợi ích nhóm”. Nhiều cán bộ, nhiều đoàn công tác của Long Khánh và Đồng Nai đã đến, hết “có ý dọa”, “thuyết phục”, ông Mậu đều khước từ. Lý do đất do công ty mua, công ty không phá và thậm chí nếu có bị tuyên phá sản thì việc xử lý tài sản phải thuộc Bộ Nông nghiệp, thuộc Hà Nội, chứ Long Khánh và Đồng Nai không có thẩm quyền.

Bất chấp pháp luật, chính quyền địa phương vẫn ra quyết định trái phép thu hồi đất. Cứ quyết định tái phép nào đưa ra, công ty lại khiếu nại, địa phương lại thu hồi quyết định. Địa phương ra “chiêu trò” khác, là liên tục cử các đoàn thanh tra đến “hỏi thăm”. Vừa khiếu nại, vừa tiếp thanh tra liên tục, vừa phải lo miếng cơm, manh áo cho công nhân, nhưng ông Mậu vẫn không chấp nhận chịu thua trước cái sai, công ty vẫn kiên cường trụ vững.  

Nhùng nhằng nhiều năm, đến năm 2007, Tân Lộc khởi kiện hành chính ra tòa, kiện UBND tỉnh Đồng Nai. Trong năm 2013, cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên Tân Lộc thắng kiện, buộc tỉnh Đồng Nai phải hủy bỏ quyết định thu hồi đất sai luật. 

Bản án đã có hiệu lực thi hành, nhưng chính quyền Đồng Nai không thượng tôn pháp luật, không thực hiện bản án. Tài sản của công ty, Đồng Nai không thể thu hồi, nhưng địa phương này “làm khó” bằng cách không cấp giấy đăng ký doanh nghiệp cho Tân Lộc khi công ty cổ phần hóa theo chủ trương của Nhà nước. Hiện Tân Lộc tiếp tục đi vào một vụ kiện mới, là hành vi hành chính sai luật của UBND tỉnh Đồng Nai. 

“Xã hội thượng tôn pháp luật, Nhà nước chủ trương khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng chính quyền Đồng Nai không thực thi bản án, gây khó cho doanh nghiệp. Hành xử như vậy là ngang ngược đứng trên pháp luật. Tôi rất là buồn, tâm tư nhiều, nhưng tôi tin vào pháp lý và đạo lý cho nên tôi vẫn tiếp tục không “đầu hàng”. Tôi tin chắc 100% Đồng Nai sẽ phải hủy bỏ những quyết định sai trái. Công lý, pháp luật phải được thực thi. Quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, của người lao động phải được thực hiện”, ông Mậu nói.

Năm 2016, ông Mậu đã có quyết định nghỉ hưu theo chế độ. Tuy nhiên, do đang kiện Đồng Nai không cấp giấy đăng ký doanh nghiệp nên ông Mậu vẫn chưa được nghỉ hưu và phải ký hợp đồng lại để tiếp tục theo đuổi vụ việc. 

Câu chuyện thăng trầm của Tân Lộc nhiều thập kỷ, còn có một nguyên nhân khác, bắt nguồn từ sự việc ông Mậu chính là người đã phát hiện ra một tội ác kinh khủng bậc nhất lịch sử: Vụ án một số quan chức Đồng Nai thiếu trách nhiệm, để các đối tượng xấu xáo trộn hàng ngàn hài cốt liệt sỹ, giấu hàng trăm mộ phần, làm mất tên hàng ngàn liệt sỹ đã hy sinh trong chiến dịch Xuân Lộc 1975. PLVN sẽ giới thiệu sự việc này trong các số báo sau.

Đọc thêm

BSL kiên trì chiến lược phát triển bền vững

Ông Nguyễn Thiều Sơn, CEO của BSL
(PLVN) -  Năm 2023, Công ty Cho thuê Tài chính BIDV-SuMi TRUST (BSL) đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng gần 27%, cao hơn hẳn so với mức tăng bình quân của ngành cho thuê tài chính (13,75%) và toàn ngành Ngân hàng (13,5%). Ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc (CEO) BSL cho biết, có được thành tựu đó là nhờ vào chiến lược phát triển bền vững đầy sáng tạo; sự kiên định hành động bám sát theo mục tiêu và sự bồi đắp văn hóa tin cậy giữa BSL với khách hàng...

Khởi nghiệp - hãy tự tin, dám làm, đừng sợ!

Nguyễn Thị Thu Hoa, CEO Trường Foods bên sản phẩm cao cấp Con Cui làm từ thịt lợn mán. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Họ đều khởi nghiệp khi còn rất trẻ từ tay trắng. Đến nay, tổng doanh thu của họ đã tới 40-50 tỷ đồng. Họ đã được đề cử là 1 trong 20 Gương mặt trẻ Việt Nam năm 2022 ở lĩnh vực Kinh doanh - khởi nghiệp.

'Trả lại tên cho em' nếu tái cơ cấu một doanh nghiệp ngành Điện

Nếu được EVN chấp thuận, một số chức năng vốn thuộc PTC1 sẽ trở về lại PTC1 trong nay mai.
(PLVN) - 6 năm trước, khi thành lập Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS), EVN đã nhất trí chủ trương “bốc” toàn bộ nhân lực, chức năng và thiết bị của các đơn vị thí nghiệm điện, vận tải, cơ điện vốn trực thuộc các công ty truyền tải điện (PTC) chuyển về lập nên NPTS.

Nâng tầm Cảng Đà Nẵng trong hệ sinh thái của VIMC

Cảng Đà Nẵng đón tàu container của hãng Sinolines cập cảng, làm hàng.
(PLVN) - Theo đại diện Cảng Đà Nẵng, mục tiêu trong năm 2024 của doanh nghiệp này là đạt kết quả sản xuất kinh doanh tăng từ 4-6% so với năm 2023, qua đó góp phần gia tăng sức mạnh và uy tín Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), với vai trò là một doanh nghiệp trong hệ sinh thái.

Đêm muộn, 'sếp' EVNNPT vẫn tới công trường 'thúc' nhà thầu chậm tiến độ

Tổng Giám đốc Phạm Lê Phú (áo xanh) kiểm tra công trường đường dây 500kV đoạn qua Hưng Yên
(PLVN) -  Tối 13/3/2024, Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) - Phạm Lê Phú và đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ thi công ban đêm các vị trí móng cọc Dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư thương mại, công nghiệp Việt Á (nhà thầu Việt Á) đoạn qua tỉnh Hưng Yên.