Thế giới của những người lính không nhớ chốn về sau trận mạc

Thương bệnh binh được chăm sóc tại trung tâm.
Thương bệnh binh được chăm sóc tại trung tâm.
(PLO) -   Không gian tĩnh mịch của núi rừng Đồng Phong đã biết bao lần bị phá vỡ bởi tiếng hô xung phong hay tiếng kêu gào thảm thiết. Quằn quại thế, đau đớn thế nhưng khi tỉnh cơn mê, mọi sinh hoạt của họ trở lại bình thường với bước chân vô hồn...
“Thay đổi thời tiết oi nóng thế này, các bác dễ phát bệnh đột ngột lắm, giờ có thể tự chủ ngồi ăn cơm thế đấy, nhưng một lát nữa thôi cũng không chắc…” - anh Bùi Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan (Trung tâm) hướng đôi mắt đầy cảm thương về phía một nữ bệnh binh đang chậm chạp đưa từng thìa cơm vào miệng nhai rệu rã, nói…
Đến Trung tâm một ngày oi nắng sau mưa, ngày mà các y, bác sỹ nơi này luôn trong tâm thế tập trung nhất, mới thấy nỗi đau chiến tranh vẫn hiện rất rõ ở đây…
Những người bệnh chỉ sống trong quá khứ
Dường như cuộc sống sôi động của thực tại không tác động tới các thương, bệnh binh ở Trung tâm, họ vẫn lẳng lặng chìm trong ký ức chiến tranh với ngổn ngang nỗi đau. Hầu hết giám định mất sức 81% trở lên, các thương, bệnh binh tại Trung tâm này không chỉ mất đi một phần thân xác mà còn mất tư duy, trí nhớ. 
Mất trí nhớ, thất lạc thông tin lý lịch, họ về mái nhà chung, đắm mình ở quá khứ, dừng mãi ở tuổi thanh xuân. Hình ảnh chốn rừng sâu hay phố thị nơi họ từng chiến đấu cùng tiếng đạn pháo đùng đoàng ám ảnh họ trong giấc ngủ chẳng tròn… Không gian tĩnh mịch của núi rừng Đồng Phong đã biết bao lần bị phá vỡ bởi tiếng hô xung phong hay tiếng kêu gào thảm thiết. Quằn quại thế, đau đớn thế nhưng khi tỉnh cơn mê, mọi sinh hoạt của họ trở lại bình thường với bước chân vô hồn. Họ không biết mình đang ở đâu mà ngày ngày cứ chơi đùa như con trẻ.
Đôi đũa, cái ca, cán chổi... nhiều khi trở thành khẩu súng, lựu đạn hay vũ khí tưởng tượng khác để bắn, để ném, để các thương, bệnh binh chống trả vào vô định hoặc vào bất cứ ai lọt vào tầm ngắm mà họ nghi ngờ là địch. Bắn, ném, xung phong rồi cùng những bệnh nhân khác nhìn vào cười sằng sặc. 
Tiếng cười đã in hằn vào cuộc sống của y, bác sỹ Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan, trở thành thước phim chua xót của các thương, bệnh binh như bác Trần Đình Hòe. Với tỉ lệ thương tật xếp hạng 1/4 , cựu chiến binh 72 tuổi quê Đà Nẵng này nhận thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều bệnh nhân khác vì đã cơ bản làm chủ được như người bình thường sau quá trình điều trị kiên trì ở Trung tâm. 
Bác Hòe chia sẻ: “Tôi bị thương ở chiến trường và mắc chứng hoang tưởng, trong đầu lúc nào cũng là hình ảnh chiến đấu, cầm súng. Cứ những lúc cảm nhận cơn đau từ mũi thuốc tiêm, tôi gần như lại phát bệnh, trong đầu cứ văng vẳng tiếng hô xung phong, kháng cự, chiến đấu…” . 
20 năm trước, vì hoang tưởng, bác đã hành hung cô y tá chuyên chăm sóc mình. Từ hình ảnh về mình sau này được nghe kể, cùng cảnh tượng bệnh nhân - đồng đội hàng ngày chịu đựng, bác thương mến hơn những y, bác sỹ đã và đang cống hiến, gắn bó với Trung tâm.
Sáng một chữ “Tâm”
Bác sỹ Bùi Minh Đức, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan không thể quên được những kỷ niệm hơn 20 năm qua, khi anh và đồng nghiệp bị bệnh nhân tại Trung tâm dồn đánh, hay những lần các anh truy tìm bệnh nhân trốn Trung tâm. “Chúng tôi bị đánh nhiều, chuyện bị ném gạch, đá gậy gộc là bình thường! Có lần né không kịp, có người bị bệnh nhân lao cán chổi tre rách miệng phải khâu 7 - 8 mũi. Cá biệt có một bác sỹ đang mang thai bị bệnh nhân đánh thẳng vào bụng gây sảy thai”. Dù công việc hàng ngày vất vả, thậm chí nguy hiểm như thế nhưng ai vào Trung tâm này làm cũng đều xác định phải quan tâm chăm sóc bệnh nhân như những người thân trong nhà... 
Ngày ngày, các y, bác sỹ hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục với những động tác cơ bản, đơn giản. Những người thực hiện nó không làm được động tác dứt khoát theo yêu cầu song việc tập thể dục phải duy trì thường xuyên bởi nó khiến người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, giúp ích cho việc điều trị. Các y, bác sỹ cùng bệnh nhân tham gia những giây phút sinh hoạt chung như đọc báo, xem ti vi hay ngồi dưới tán cây hát vang những bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”… Những lời bài hát có thể chẳng tròn vành rõ tiếng nhưng tạo một khí thế, một sức sống mới phảng phất hạnh phúc bình dị cho các thương, bệnh binh. 
 Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận toàn bộ thương, bệnh binh về não và thần kinh, ưu tiên các đối tượng bị ảnh hưởng do chiến tranh. Như vậy, Trung tâm không chỉ tiếp nhận chăm sóc, điều trị cho những cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu mà thời gian tới, sẽ tiếp nhận cả thế thệ thứ hai - con em cựu chiến binh bị bệnh lý thần kinh do ảnh hưởng chất độc da cam hay di chứng di truyền mà chiến tranh để lại.
Bác sỹ Bùi Minh Đức hóm hỉnh giãi bày: “Buồn thì nhiều, vui thì ít nhưng đã vui thì chẳng nơi nào ngoài kia có được chỗ như thế này. Nhiều lúc ăn uống, sinh hoạt cùng anh em có nhiều điều để nói lắm. Làm ở đây chủ yếu là vì cái tâm thôi!”. 
Chỉ có thể xuất phát từ cái “tâm”, vì cái “tâm” mới khiến những y, bác sỹ nơi này cống hiến bền bỉ đến thế. 80 nhân viên, trong đó có 73 biên chế, túc trực ngày đêm chăm sóc 152 bệnh nhân; có những bệnh nhân rối loạn tâm thần liên tục cùng lúc cần 2 - 3 người chăm sóc và giám sát. Khi bệnh binh được phát hiện có bệnh lý nội, ngoại khoa khác phải chuyển tuyến điều trị, cần 2- 3 y, bác sỹ đi kèm. 
Bác sĩ đi, Trung tâm ít người lại càng thêm thiếu, đến viện khác, không có phòng riêng, họ phải tập trung cao độ để bệnh binh không hành hung hay gây tổn hại đến những người bệnh bình thường. Bệnh binh không thể tự chủ trong sinh hoạt, nên khi điều trị bên ngoài trung tâm, các y, bác sỹ gặp khó khăn hơn rất nhiều…
Nơi an nghỉ của những người lính thất lạc quê hương
Cách Trung tâm chừng 1km, nghĩa trang nhỏ của Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan với tấm bia tưởng niệm “Tổ quốc ghi công” nằm len trong khu nghĩa trang chung của xã Đồng Phong vẫn đón nhận nấm mồ của những người lính khó lòng trở về nơi sinh ra mình. Bước ra từ cuộc chiến tranh, mảnh bom, viên đạn găm sâu vào họ, biến họ thành người không bình thường. Thời gian đằng đẵng, có biết bao người thiếu may mắn, mắc chứng tâm thần, được điều chuyển qua nhiều Trung tâm và cuối cùng trút hơi thở tại mảnh đất này. 
Những nấm mồ liệt sỹ không có quê hương.
Những nấm mồ liệt sỹ không có quê hương. 
Bác sỹ Lâm Quang Đạo, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan trăn trở: “Chúng tôi vẫn kiên trì gửi văn bản về địa phương, nhắn tìm thân nhân liệt sỹ hay người nhà bệnh nhân đến thăm suốt thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều lắm các trường hợp không liên hệ được...”. Lý do, theo ông Đạo, bởi có những liệt sỹ mất khi tuổi đời còn trẻ, chưa kịp lập gia đình. Có người thất lạc lý lịch do quá trình điều chuyển Trung tâm hay địa chỉ được ghi lại theo thông tin thu thập qua những hồi ức đứt quãng của bệnh nhân nên việc tìm kiếm thân nhân hầu như không có kết quả. 
Giữa trời trưa oi nắng, những nấm mộ im lìm với thông tin ít ỏi trên tấm bia khiến khách viếng thăm không khỏi chạnh lòng. Có tấm bia không ghi được quê quán, không ít tấm bia không có năm sinh mà vỏn vẹn chỉ có ngày mất. Cũng còn nhiều lắm những tên, tuổi do bệnh nhân cung cấp cũng không chắc đã chính xác khiến người nằm dưới lớp cỏ chẳng được gọi đúng tên.… “Phạm Văn Rỵ - quê miền Nam – Từ trần 19 -11 -1965”, những ngôi mộ như thế này là do chúng tôi tự đặt vì ngày còn sống, thấy bệnh nhân nói giọng miền trong nên chắc anh quê miền Nam. Chỉ có ngày mất là đúng vì chúng tôi theo dõi và nhớ để làm giỗ cho người đã khuất…” - bác sỹ Đạo cho biết.
Chiến tranh qua đi nhưng bi kịch mà nó để lại vẫn còn đó, trên những cảnh đời éo le đang sống và cả những người đã nằm xuống…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.