Nước mắt người đàn bà đi cưới vợ hai cho chồng

Bà Hòa và đứa con gái bị nhiễm chất độc màu da cam.
Bà Hòa và đứa con gái bị nhiễm chất độc màu da cam.
(PLO) - Tuổi thơ cơ cực, lớn lên lấy chồng, nhưng sau 10 năm không sinh được con, bà Nguyễn Thị Hòa (SN 1955, ngụ xóm Đông, thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đi xin con về nuôi. Thế nhưng, 3 năm sau, bà phát hiện đứa bé bị nhiễm chất độc màu da cam. Vậy là, bà bấm bụng đi cưới vợ cho chồng, nhưng cuộc đời lại trớ trêu thêm lần nữa…

Người cha khổ nhọc tìm thuốc cho con

Bà Hòa sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em nhưng 2 người không may qua đời lúc mới lọt lòng. Bà là con thứ hai. Cũng vì mất 2 đứa con nên người mẹ trở nên trầm cảm, rồi bệnh tật nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Vì cuộc sống gia đình nghèo khổ nên ngay từ nhỏ bà không được học hành như bạn bè cùng trang lứa, mà phải lặn lội ngoài ruộng đồng để phụ giúp cha kiếm miếng ăn cho gia đình. 

Năm 15 tuổi, trong một lần đi chặt củi cùng cha, bà Hòa không may bị rắn cắn. Sau đó, may mắn nhờ cây thuốc của một thầy lang ở địa phương bà mới qua khỏi. Tuy nhiên, di chứng của lần “thập tử nhất sinh” ấy vẫn còn. Đến nay, mỗi khi trái gió trở trời, bà cảm thấy đau ê ẩm khắp cả thân thể.

“Đợt đó, không biết là rắn gì cắn nhưng tôi ngày càng tong teo. Nhiều người nhìn thấy tôi cứ nghĩ tôi bị “ma ám” nên mới thế. Nhưng sau một thời gian thì người làng cũng hiểu sự việc. Dù ốm yếu, tôi vẫn phải cùng cha và anh lớn làm lụng để lo cho mẹ, các em có cái ăn cái mặc. Nhiều lần vì làm quá sức nên tôi bị ngất xỉu ngoài ruộng, nhờ có bà con phát hiện rồi cõng tôi về nhà xoa bóp, cho ăn uống chứ không tôi chết rồi”, bà Hòa cho biết.

Vì thấy con ngày càng trở nên ốm yếu nên khi có ai mách nước, người cha đều lặn lội lên rừng tìm cây thuốc về chữa cho con. Ngày này qua tháng khác, người cha kham khổ thế nào cũng chịu, chỉ mong tìm được thuốc chữa cho con. Nhưng rồi, bệnh tìm của bà Hòa không thuyên giảm. 

“Lúc đó, tôi khuyên cha không nên đi tìm cây thuốc nữa, cứ bỏ mặc tôi cho số phận, nhưng cha không chịu. Rồi, sự chịu khó của cha cũng được đền đáp. Cha tìm được ông thầy lang cao tay. Ông thầy lang bảo cha lên rừng tìm cây thuốc về chữa chạy cho tôi. Lùng sục hơn 1 tháng, cha tôi mới tìm được.

Sau đó, tôi nấu nước uống một tháng thì da dẻ hồng hào trở lại, ăn uống cũng được nên dần dần trở lại bình thường chứ không ốm tong ốm teo nữa. Sức khỏe trở lại bình thường nên tôi xin cha lên Tây Nguyên làm thuê làm mướn, mọi việc ở nhà để cha lo liệu. Gần 2 năm sau tôi mới trở về nhà”, bà Hòa cho biết.

Phận đời bạc bẽo

Năm 19 tuổi, bà Hòa trở thành “bông hoa” đẹp trong làng, được nhiều thanh niên để ý. Tuy nhiên, vì nghĩ nhà mình nghèo nên lúc đầu bà Hòa chẳng nhận lời ai. Thế rồi, không biết tại duyên nợ hay gì, bà gật đầu đồng ý khi ông Phạm Ngọc Liêm (SN 1954) đến ngỏ lời cầu hôn. Ông Liêm là trẻ mồ côi, có hoàn cảnh nghèo khổ giống như gia đình bà nên bà nghĩ cưới nhau về sẽ dễ sống hơn. 

“Tôi quyết định chọn ông Liêm là vì ổng hiền lành, tốt bụng. Dù mồ côi cha mẹ nhưng ổng chịu thương chịu khó làm ăn, trong làng ai cũng khen ổng giỏi giang. Lúc đó, nhiều người gia đình khá giả nhưng tính tình không tốt, chỉ biết ăn chơi lêu lỏng nên tôi không thích”, bà Hòa chia sẻ.

Năm 19 tuổi nhận lời yêu thì 1 năm sau bà Hòa theo ông Liêm về làm dâu. Cuộc sống vợ chồng bà giai đoạn đầu diễn ra bình thường, hàng ngày cả hai chăm chỉ làm nương rẫy để lo cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, càng về sau những tiếng cười nói trong gia đình ít dần, thay vào đó là những lời dị nghị, bàn ra nói vào của phía họ hàng bên chồng vì cưới nhau đã lâu mà bà chưa có con. 

Ngôi nhà của bà Hòa
Ngôi nhà của bà Hòa

Nhiều đêm bà nằm suy nghĩ, phận làm dâu mà không có đứa con cho họ hàng phía chồng thì xấu hổ lắm. Do vậy, sau 10 năm không sinh được con, năm 1985, bà xin được 1 đứa con nuôi, đặt tên là Phạm Thị Bình. Nhưng trớ trêu thay, 3 năm sau bà mới biết đứa bé ấy bị chất độc màu da cam. Cuộc sống gia đình đã bế tắc nay còn bế tắc hơn.

Biết mình không thể sinh con, không làm tròn trách nhiệm người vợ, bà đành nhắm mắt để chồng qua lại với người phụ nữ khác. Họ qua lại với nhau khoảng 6 tháng thì người phụ nữ kia mang thai. Vì chồng bà là trẻ mồ côi nên gia đình người phụ nữ kia yêu cầu bà phải đến nhà hỏi cưới vợ cho chồng. 

“Bấm bụng cưới vợ cho chồng, biết cô ấy mang thai cần được quan tâm nên tôi sắp xếp cho hai người ở nhà trên, còn tôi và con gái ở nhà nhỏ. Gần 1 năm sau thì người phụ nữ đó sinh con trai, rồi kiếm chuyện gây gổ, đá thúng đụng nia, thường xuyên kiếm cớ hắt hủi mẹ con tôi. Trong khi đó, ông Liêm chuyện gì cũng bênh vực, nghe lời vợ mới nên xem mẹ con tôi như cục nợ, như cái gai trong mắt. Nhịn nhục hết nổi, tôi đành dắt con gái về nhà ngoại tá túc”, bà Hòa kể trong nước mắt.

Nhà ngoại chật hẹp lại ở cùng với người con trai út, con cháu lại đông nên sau một thời gian, bà Hòa được xã cấp cho mảnh đất nhỏ, rồi hai mẹ con bà dựng tạm ngôi nhà nhỏ che mưa, tránh nắng. Tuy nhiên, vì cuộc sống nghèo khổ nên bà thường dẫn con gái rong ruổi cày thuê, cuốc mướn để kiếm cái ăn, cái mặc.

Từ đi hái cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên, rồi đi làm cỏ dưa, cỏ mía ở các tỉnh Nam Trung bộ… có người mướn là bà đi. Thời gian gần đây, vì sức khỏe không đảm bảo nên bà không còn đi làm thuê ở xa như trước.

“Căn nhà này dựng lên gần 15 năm rồi, một phần là tiền nhà nước hỗ trợ hộ nghèo, còn lại tôi vay mượn. Cũng nhờ vậy mà có chỗ che mưa, che nắng. Bây giờ sức khỏe tôi cũng yếu, không thể đi xa để làm thuê, mà chỉ ở thôn, ở xã thôi. Giờ tôi còn sống thì mẹ con rau cháo qua ngày, rủi tôi có bề gì thì phó thác con cho bà con lối xóm, chứ chẳng biết phải làm sao”, bà Hòa nghẹn giọng.

Con là nguồn sống của mẹ

Hỏi về chị Bình, bà Hòa tâm sự: “Nó tội lắm! Tôi thương nó lắm! Lúc nào nó cũng quấn quýt bên cạnh tôi, khi thì gãi đầu, khi thì nhổ tóc ngứa cho mẹ. Hễ mà có đi làm thuê thì giữa buổi tôi cũng tranh thủ chạy về thăm nó tí rồi mới đi làm tiếp. Có hôm tôi làm ở gần, giữa trưa nó chạy đến nói chuyện với tôi vài câu rồi mới chịu về”.

Chị Bình năm nay đã ngoài 30 tuổi mà vẫn sống trong hình hài của đứa trẻ lên 10, tay chân teo tóp không thể làm được việc gì. Suốt ngày chị chỉ quanh quẩn ở thôn, rồi chơi đùa với trẻ con nơi đây. Ai nói gì, hỏi gì chị cũng chỉ lắp bắp mấy lời rồi cười như đứa trẻ. 

Ở tuổi ngoài 60 nhưng ngày ngày bà Hòa vẫn một tay lo tất cả, từ cơm nước, giặt giũ cho đến làm thuê làm mướn để kiếm tiền nuôi đứa con dại. Trước đây khỏe mạnh, bà đi làm xa xứ, giờ già yếu chỉ quanh quẩn ở địa phương. Nhà có 1 sào ruộng nhưng làm chỉ được một mùa do thiếu nước nên gạo không đủ ăn, phải thường xuyên đi mua, mọi việc chi tiêu hàng ngày đều nhờ vào công việc làm thuê. Ban ngày chạy đồng trên, xóm dưới, tối về bà đan nón lá kiếm thêm đồng ra đồng vào.

“Buồn chứ! Tủi chứ! Nhiều đêm tôi cứ khóc một mình chẳng biết tỏ cùng ai. Than thân trách phận chẳng được gì, tôi chỉ khóc cho khuây khỏa mà thôi. Tuy con bị bệnh nhưng con là nguồn vui, là sự sống của tôi. Tôi không có con ruột, Bình bị gia đình vứt bỏ, may mắn gặp nhau cũng duyên phận. Đã nuôi con rồi, khôn cậy nhờ, con dại cái mang, không thể vứt bỏ được. Một đứa nhỏ bị ruồng bỏ hai lần thì tội nghiệp lắm”, bà Hòa vừa nói vừa sụt sùi dòng nước mắt.

Ông Lê Đức Bá - Trưởng thôn Phú Nhơn, cho biết: “Cuộc đời của bà Hòa là một bi kịch dài mà khi kể ra ai cũng thấy chảy nước mắt. Hiện tại, gia đình bà Hòa thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Dù biết bà ấy khó khăn nhưng chúng tôi không thể giúp gì được. Người dân địa phương còn nghèo nên ai cũng lo cho gia đình chứ không thể giúp bà ấy về kinh tế được”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.