Nỗi niềm già làng, trưởng bản mặc comple, váy ngắn

(PLO) -  Những già làng, trưởng bản là “linh hồn” níu giữ bản sắc dân tộc nhưng đôi khi chính họ lại là người “ngược dòng”. 
“Tôi thấy nhiều cuộc gặp mặt đồng bào thiểu số nhưng nhiều già làng mặc comple, cà-vạt, nữ mặc quần tây, váy ngắn như người Kinh. Nếu chính đồng bào không thấy tự hào, tự tôn về bản sắc văn hóa của mình, không có ý thức gìn giữ nó mọi nơi, mọi lúc, không đem nó giới thiệu rộng rãi với các cộng đồng đó thì văn hóa sẽ biến mất ngay từ trong chính cộng đồng sáng tạo ra nó” - ông Đào Trọng Chương, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc cảm thán.
Bản sắc văn hóa dân tộc là thứ luôn cần được bảo tồn
Bản  sắc văn hóa dân tộc là thứ luôn cần được bảo tồn 
“Mượn” tiếng nói, trang phục của dân tộc khác
Hiện, nước ta có 5 dân tộc thiểu số có số dân rất ít bao gồm các dân tộc: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo (dưới 1.000 người). Các dân tộc có số dân dưới 1.000 người sống tập trung ở vùng núi cao, biên giới thuộc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Kon Tum. 
Các dân tộc này cư trú chủ yếu ở nơi điều kiện cuộc sống còn khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế, có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí bị mất hẳn. 
Có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống. Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hoá của họ có sự pha trộn, giao thoa, mai một và có xu hướng bị đồng hoá.
Người Ơ Đu là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam, hiện chỉ còn 91 hộ, 432 khẩu, sinh sống tập trung duy nhất tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Cùng sống xen lẫn giữa cộng đồng người Thái, Kinh và Khơ Mú nên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, người Ơ Đu sử dụng 3 thứ tiếng này để giao tiếp chứ không sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của dân tộc mình. Số lượng người biết tiếng Ơ Đu ở Văng Môn cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là người già (đều trên 70, 80 tuổi). 
Trưởng bản Lo Xuân Tình buồn bã: “Ngày trước còn được 10 cụ biết tiếng Ơ Đu, rồi các cụ lần lượt qua đời, hiện còn lại được 5 người. Các cụ lại cao tuổi rồi nên có lúc nhớ lúc quên. Cộng với lớp trẻ giờ cũng chẳng mặn mà, có học xong cũng không sử dụng nên cứ mai một dần. Trang phục cũng mặc giống như người Thái, người Kinh, chỉ có thể phân biệt được người Ơ Đu qua đặc trưng là mang họ Lo. Những người trẻ Ơ Đu chẳng ai biết trang phục truyền thống của dân tộc mình nó như thế nào”.
Tộc người Si La thường hay che giấu gốc gác của mình và ít giao tiếp với các dân tộc khác nên bản sắc văn hoá của dân tộc Si La ít được người khác biết đến. Người Si La có nguồn gốc xa xưa ở Tây Tạng (Trung Hoa), qua Lào rồi đến lập nghiệp ở Việt Nam khoảng 150 năm nay. Tiếng nói của người Si La thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến, ngữ hệ Hán-Tạng. Người Si La chưa có chữ viết riêng. Những lễ nghi trong lễ hội đang mờ nhạt dần trong đời sống của dân tộc này. 
Người Si La có phong tục đàn ông nhuộm răng đỏ, đàn bà nhuộm răng đen. Tuy nhiên, hiện nay đa số người Si La để răng trắng. Ông Pờ Chà Nga, đại diện dân tộc Si La cho rằng, với số dân còn dưới 1.000 người, trong điều kiện xã hội phát triển nhanh như hiện nay, dân tộc Si La rất dễ bị đồng hóa, mất dần tiếng nói mẹ đẻ. Đa số các trẻ em dân tộc Si La giờ không biết và cũng không thích hát bài dân ca Si La, không thích mặc trang phục Si La, không biết múa điệu múa Si La… 
Nhà văn hóa cộng đồng Nhà nước xây cho dân tộc Si La giống hệt ngôi nhà cấp 4 dưới xuôi, nên chỉ có thể gọi là hội trường sinh hoạt cộng đồng, không phải là nhà văn hóa của dân tộc Si La.  Một số ít con em dân tộc Si La đã được học cao đẳng, đại học và có việc làm. Thế nhưng, người trẻ dân tộc Si La giờ đây không biết hát tiếng dân tộc, một số lễ hội truyền thống cũng không còn biết để tổ chức. Mai này người già mất đi thì không biết người Si La còn múa hát tiếng mẹ đẻ nữa không?...
Hiện nay, nhiều giá trị văn hoá - nghệ thuật, làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của từng dân tộc theo thời gian bị mai một, bị xâm thực bởi văn hóa của các dân tộc khác hoặc bị thất truyền. Chẳng hạn như thế hệ trẻ dân tộc Rơ Măm (Kon Tum) nay hầu như không biết gì về nghệ thuật dệt may của cha ông mình.
Là một tộc người có nền văn hoá tương đối phong phú với các lễ hội, phong tục, dân ca, truyện cổ được thể hiện qua hệ thống chữ viết và tiếng nói, nhưng bản sắc văn hoá của người Pu Péo ở Hà Giang cũng không còn lại bao nhiêu. Số người Pu Péo biết rõ về bản sắc văn hoá dân tộc mình cũng chỉ còn số lượng rất ít. 
Ông Củng Phù Vần ở Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) bày tỏ: “Chúng tôi là người Pu Péo, nhưng chẳng có mấy người biết viết và nói tiếng Pu Péo, đại đa số đều dùng tiếng Mông để giao tiếp. Có dùng tiếng Pu Péo chăng cũng chỉ trong dịp lễ tết, cúng bái”. 
Ông Đào Trọng Chương, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, những già làng, trưởng bản là “linh hồn” níu giữ bản sắc dân tộc nhưng đôi khi chính họ lại là người “ngược dòng”. “Tôi thấy nhiều cuộc gặp mặt đồng bào thiểu số nhưng nhiều già làng mặc comple, cà-vạt, nữ mặc quần tây, váy ngắn như người Kinh. Nếu chính đồng bào không thấy tự hào, tự tôn về bản sắc văn hóa của mình, không có ý thức gìn giữ nó mọi nơi, mọi lúc, không đem nó giới thiệu rộng rãi với các cộng đồng đó thì văn hóa sẽ biến mất ngay từ trong chính cộng đồng sáng tạo ra nó”- ông Chương cảm thán.
Người Si La dần dần quên tiếng mẹ đẻ
Người Si La dần dần quên tiếng mẹ đẻ 
Gốc văn hóa bị... đốn hạ
Tình trạng hữu sinh vô dưỡng, phong tục tập quán kết hôn cận huyết thống… của một số dân tộc ít người đã dẫn đến bệnh tật, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái. Người Si La cũng đang có xu hướng nhỏ dần, cân nặng từ 40 – 45kg, chiều cao khoảng 1,45 – 1,60m. Người Brâu, Rơ Măm có nhiều dị tật bẩm sinh, lắm bệnh tật, tình trạng sức khỏe kém, tỷ lệ chết cao. Do điều kiện địa lý và tiếp cận dịch vụ y tế hạn chế nên các loại bệnh tật thường xuyên xảy ra và chiếm tỷ lệ cao như sốt rét, bướu cổ, phong… 
PGS.TS Lê Ngọc Thắng (Viện Dân tộc học) cho rằng, nguy cơ suy giảm giống nòi chính là dấu hiệu “báo động đỏ” về sức đề kháng của văn hóa tộc người trước sự giao thoa, xâm thực bởi văn hóa của cộng đồng các dân tộc khác có số dân đông hơn. Không nói được tiếng dân tộc mình, rồi văn hóa cũng bị đồng hoá với các dân tộc khác là thực trạng chung của các dân tộc rất ít người. Gốc văn hóa của họ dần bị đốn hạ.
Chưa kể tới sự xâm lấn của công nghệ hiện đại khiến thanh niên càng thêm “quên” văn hóa làng bản mình. “Điện thoại phủ sóng cả bản rồi. Internet cũng “vào” nhiều lắm. Bọn trẻ mặc quần bò, áo phông cả rồi. Chúng không nói tiếng dân tộc nữa mà nói tiếng Kinh. Chúng không hát những bài dân ca của dân tộc mình mà hát những bài nhảy nhót trong băng đĩa. Chúng chê văn hóa dân tộc là cổ hủ, lạc hậu”- một già làng chua chát.
Những nhà văn hóa cho rằng, bảo tồn ngôn ngữ tộc người thiểu số thì trước hết chính người dân phải truyền dạy ngôn ngữ cho con em mình. Nếu ngay từ trong gia đình cha mẹ, ông bà không có ý thức gìn giữ ngôn ngữ, duy trì việc sử dụng hàng ngày cho con cháu thì không chính quyền, nhà nghiên cứu nào có thể giúp họ làm sống lại ngôn ngữ được. 
Đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều người có thể sử dụng song ngữ, song khi về nhà họ cũng nói với nhau bằng tiếng Kinh với nhau. Như vậy, chính họ đã đánh mất cơ hội tồn tại của tiếng mẹ đẻ của mình. Sự mai một của ngôn ngữ tất yếu dẫn đến mai một, biến mất của văn hóa.
Nhà nước đã có hệ thống các chính sách riêng dành cho từng dân tộc. Nhưng hầu hết các chính sách này thường tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất mà thiếu lồng ghép với các đề án về bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc. Và các chính sách, đề án về văn hóa, văn hoá các dân tộc thiểu số nói chung vẫn thường đứng biệt lập, ít gắn kết với các chương trình, đề án phát triển về kinh tế, bảo vệ môi trường... nên hiệu quả chưa cao. Tốc độ bảo tồn bản sắc văn hoá của 5 dân tộc rất ít người: Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ơ Đu vẫn chưa theo kịp với tốc độ mai một.
Tính từ năm 2006 đến nay đã có 6 đợt học tiếng Ơ Đu bằng hình thức truyền miệng được mở ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho hơn 300 người. Nhưng với vốn từ ngữ sưu tầm quá ít ỏi - khoảng 200 từ - do những người già ghi chép lại rất rời rạc, thiếu sự hoàn chỉnh, nên rất khó để có thể truyền khẩu. Mỗi đợt giảng dạy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bởi vậy vốn từ không đủ để người tham gia sau khi hoàn thành khóa học nhớ và sử dụng hàng ngày, học rồi lâu dần không sử dụng lại quên mất.
Khó khăn trong tài chính, ngân sách là khó khăn chung của tất cả các dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa. Mỗi năm, số tiền đầu tư cho các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh đều rất thấp, có tỉnh chỉ dành 15 ngàn đồng/1 đầu người/ 1 năm cho các hoạt động văn hóa. Với chừng ấy tiền thì không thể làm gì được. Mà người dân thì không có mấy điều kiện để đóng góp khi đời sống còn khó khăn.
Hơn ai hết, các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân mong được Nhà nước hỗ trợ hơn nữa trong việc cải thiện đời sống tinh thần và giúp họ gìn giữ cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. 
Nếu không nhanh, những luật tục thú vị và bản sắc độc đáo về văn hóa của các dân tộc chỉ còn thấp thoáng qua từng trang sách và biến mất dần qua dòng thời gian đầy biến đổi và khắc nghiệt...

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.