Cổ tích có thật - cô giáo làng dạy học sinh câm biết nói

Mẹ Thủy không ngờ có ngày con mình lại nói chuyện được với mọi người.
Mẹ Thủy không ngờ có ngày con mình lại nói chuyện được với mọi người.
(PLO) - Sau khi nghỉ hưu, cô giáo Lê Thị Tam (62 tuổi, ngụ xóm 3, xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) mở lớp dạy học miễn phí tại nhà cho trẻ em nghèo và khuyết tật vào mỗi dịp hè. Đã có câu chuyện cổ tích được viết nên tại lớp học này khi một cô bé bị câm đã nói được nhờ sự kiên trì chỉ dạy của cô Tam.

10 năm dạy học miễn phí

Căn nhà nhỏ đơn sơ của cô Tam gần 10 năm qua đã trở thành lớp học cho những trẻ em nghèo. Cô từ chối chụp ảnh lên báo và cười hiền khi nói về việc làm của mình: “So với những người khác, việc làm của tôi có đáng gì. Tôi chỉ quan niệm mình còn sức khỏe thì giúp đỡ phần nào cho các em nhỏ nghèo, để các em có kiến thức làm hành trang bước vào cuộc đời”.
Năm 2006, cô nghỉ hưu sau mấy chục năm dạy tiểu học và bắt đầu mở lớp miễn phí tại nhà vào dịp hè. “Do kinh tế khó khăn nên trẻ em ở nông thôn đa phần không có điều kiện đi học thêm hay tiếp cận với những tài liệu nâng cao. Nhìn các em suốt ngày phải đi cắt cỏ, chăn trâu, tôi rất thương, từ đó có ý tưởng mở lớp để củng cố kiến thức cho các em”.
Ban đầu lớp chỉ có vài em nhỏ gần nhà. Một thời gian sau, tiếng lành đồn xa, học sinh ở tận các huyện cách xa mấy chục cây số cũng đến xin học. Sĩ số lớp thường đã hơn 40 em, có hôm học sinh đến đông quá không có chỗ để ngồi. Cô Tam thường dạy từ thứ hai đến thứ bảy. Nhiều hôm mưa gió, các em cũng bắt bố mẹ đưa đến nhà cô học bằng được. Học sinh đến xin học cô Tam đều nhận, không phân biệt sức học hay có khuyết tật. Với những em bị tật nguyền cô lại càng thương hơn bởi các em phải chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn khác.
Người dân địa phương vẫn kể câu chuyện cảm động của cô giáo Tam đối với một học trò bị câm bẩm sinh. Đó là em Trần Thị Thủy (SN 1999, ngụ cùng xã). Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ không có điều kiện đi chạy chữa. Đến tận sáu tuổi, Thủy cũng chỉ ú ớ không nói được từ nào nhưng nhìn các bạn cùng trang lứa đến trường, Thủy cũng muốn được đi học.
Bố mẹ thương con xin cho vào học lớp một, song một thời gian dài cô bé vẫn không tiến bộ. Thủy không phân biệt được mặt chữ hay phát âm được bất cứ từ đơn giản nào. Các cô giáo trong trường đành bó tay khuyên bố mẹ đưa em đến trường khuyết tật ở TP.Vinh. Học ở trường này, tình hình của Thủy cũng không khả quan hơn, gia đình đành đưa em về nhà.
Biết được hoàn cảnh của cô bé tội nghiệp, cô Tam đã đến nhà vận động để bố mẹ đưa em đến nhà cô kèm cặp. Bình thường cô vẫn cho Thủy học cùng lớp buổi ngày với các bạn và kèm riêng cho em vào buổi tối. Mặc dù đã dạy tiểu học suốt mấy chục năm nhưng trường hợp của Thủy vẫn khiến cô phải trăn trở, thường xuyên mất ngủ vì tìm phương pháp dạy hiệu quả.
Ban đầu, cô dạy Thủy viết những chữ đơn giản như “bố, bà, chị, em…”, sau đó tập phát âm những từ đó. Mỗi buổi học, cô chỉ dạy cho Thủy phát âm được một từ, vì sợ dạy nhiều chữ cô bé không nhớ được. Thủy dù nỗ lực hết sức vẫn không phát âm đúng. Tuy thế cô Tam vẫn kiên trì dạy cho cô học trò đặc biệt ngày này qua ngày khác.
Kỳ tích bé gái câm biết nói
Sự nhẫn nại của cô cuối cùng cũng được đền đáp khi một hôm, Thủy đứng trước mặt cô và cất tiếng: “Chào ô” (chào cô). “Lúc đó tôi cứ ngỡ mình nghe nhầm. Nhưng khi nhìn cô bé ngây thơ đứng trước mặt nở nụ cười thật tươi, tôi mừng quá, liền bảo em nói lại cho cô nghe nào. Cô bé ngượng chạy một mạch đi. Tôi liền chạy theo, ôm em vào lòng nói “Thủy của cô giỏi quá”. Lúc đó cả cô và trò đều khóc vì quá hạnh phúc”.
Em Thủy bị câm bẩm sinh nhờ cô Tam dạy đã nói được.
 Em Thủy bị câm bẩm sinh nhờ cô Tam dạy đã nói được.
Từ đó cô Tam bắt đầu dạy Thủy viết những câu dài hơn, sau đó lại dạy phát âm từng chữ trong câu. Những câu này đều gần gũi với cuộc sống của cô học trò như: “Thủy ăn cơm chưa?” hay “Thủy của cô giỏi quá”. Những khi đọc xong những câu đó, Thủy lại nhìn cô cười.
Tuy hạn chế về giao tiếp nhưng cô bé rất hiếu học, đặc biệt viết chữ rất đẹp. Ngày nào cô bé cũng đến nhà cô học bất kể nắng mưa, chỉ nhút nhát ngại giao tiếp do mặc cảm về khuyết tật của mình.
“Những hôm đầu, Thủy được bố hoặc mẹ đưa đến. Sau bố mẹ bận việc, con bé một mình đạp xe đến nhà tôi học. Nó rất nhát, thường đứng ngoài cổng chứ không dám vào nhà. Cứ nghe thấy tiếng xe đạp lọc cọc là tôi biết nó đứng ngoài cổng để ra đưa vào. Mỗi buổi tối, tôi thường kèm Thủy học từ 19h đến 21h. Sau đó con bé lại tự đạp xe về”, cô Tam chia sẻ.
Sau mấy tháng được cô Tam kèm cặp, Thủy có thể nói chuyện với mọi người, dù giọng nói không được tròn vành rõ chữ nhưng đối với em và cả mọi người, đó là cả một kỳ tích, một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Cũng nhờ vậy cô bé lại có thể tiếp tục đến trường học cùng các bạn. Tuy nhiên, Thủy nhút nhát, vì bạn bè trêu chọc nhiều nên cũng chỉ học hết cấp một thì nghỉ.
Chị Nguyễn Thị Nga (SN 1975, mẹ Thủy) cũng không nhớ chính xác con mình học với cô Tam bao lâu thì biết nói, chỉ áng chừng vài tháng. Chị cho biết, Thủy là con thứ hai trong số bốn anh chị em, sinh ra khỏe mạnh bình thường nhưng đến năm 3 tuổi vẫn không nói được từ nào.Hai vợ chồng lo lắng đưa đi khám mới biết con bị câm bẩm sinh nhưng không có điều kiện chạy chữa.
“Gia đình tôi biết ơn cô Tam rất nhiều. Vợ chồng tôi cứ nghĩ con gái sẽ không nói được suốt đời vậy mà chỉ theo học cô Tam một thời gian, con tôi đã có thể nói chuyện được”, chị Nga xúc động nói.
Giờ cô Tam đã ngoài 60 tuổi, các con cô sợ mẹ lao lực đổ bệnh đều khuyên nghỉ ngơi nhưng cô không đồng ý. Hàng năm cô vẫn duy trì lớp học miễn phí vào dịp hè với tâm niệm còn sống còn cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.