Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam quốc dân đảng (Kỳ 4): Khí phách cô Giang

Phỏng họa chân dung cô Giang và Nguyễn Thái Học
Phỏng họa chân dung cô Giang và Nguyễn Thái Học
(PLO) -Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ) thất bại với cuộc nổi dậy Yên Bái, không chỉ các yếu nhân phải xộ khám, mà những đảng viên của đảng, cùng những nhân vật liên đới, cũng bị truy lùng ráo riết. Nguyễn Thị Giang, “người tình trăm năm” của vị đảng trưởng, dù không sa vào tay giặc, nhưng đã chọn một kết thúc vẻ vang. 

Tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương khi ghi nhận về hoạt động của VNQDĐ, đã nhận định, cô là một đảng viên hoạt động không biết mệt mỏi cho tổ chức. Điều ấy, quả đúng nếu xét những việc làm của cô Giang. 

Tận tụy việc đảng

Trong “Cận đại Việt sử diễn ca”, đã có lời ngợi khen cho hoạt động của hai chị em nhà cô Bắc, cô Giang đối với tổ chức, là:

“Nhiệt thành nhất: Bắc và Giang,

Chị em len lỏi chẳng màng hiểm nguy.

Cô Giang lanh lợi nhu mì,

Xinh tươi duyên dáng, khinh khi gian tà”.

Muốn biết về thân thế Nguyễn Thị Giang, nên xem ở “Anh thư nước Việt” ghi về những gương sáng của phụ nữ Việt cổ kim. Theo đó, cô Giang cùng với chị mình là cô Bắc người làng Đồng Vệ, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Bắc Giang, “sinh trưởng trong một gia đình thanh bạch luôn lấy đạo đức luân lý Đông phương làm căn bản lập thân xử thế”. Tinh thần yêu nước của cô Giang, được cụ Phan Bội Châu ca ngợi trong bài văn tế, có câu:

“Đất nhà tinh hoa, trời trao bảng tuyệt

Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi

Thân khuê các mà can trường khí tiết.

Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông.

Tuổi xanh vào Quốc học trường, Pháp văn cũng biết

Tang hải gặp xoay cuộc, ngó giang sơn luống những lòng đau”.

Bởi nhìn vận nước trong cơn bĩ cực, mà cô Giang cùng chị mình là cô Bắc gia nhập VNQDĐ ở tỉnh bộ Bắc Giang để góp phần cho công cuộc vần xoay đại cuộc, và dưới duyền chỉ huy của Song Khê Nguyễn Khắc Nhu (Xứ Nhu). Nên biết rằng VNQDĐ không dụng thu đàn bà, con gái vao đảng, mà chị em được tổ chức trong Phụ nữ đoàn. Nhưng riêng tỉnh bộ Bắc Giang lại có mấy nữ đảng viên như một ngoại lệ. 

Qua tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương, được tập san “Sử Địa” số 6 dịch ra quốc ngữ với tiêu đề “Tìm hiểu về các đảng phái Việt Nam trong thời Pháp thuộc: Việt Nam quốc dân đảng (1927-1932)” ta được biết rằng, trong VNQDĐ “vai trò của phụ nữ đáng kể và nhiều nữ đảng viên trong khi hoàn thành nhiệm vụ cách mạng đã tỏ ra hoạt động và có nghị lực đáng sợ”. Không ai khác hơn, đó là cô Bắc, cô Giang.  

Trong thời gian 1929, cô Giang phụ trách việc liên lạc cho tổng bộ với chi bộ các tỉnh. Cũng bởi việc đảng, nên cô thường xuyên có liên hệ, gặp gỡ với vị đảng trưởng Nguyễn Thái Học, từ ấy mà tình cảm nảy nở, để rồi hai người bén duyên nhau. Và rồi, khi cuộc nổi dậy thất bại, khắp nơi nơi đảng viên của tổ chức bị truy lùng, bố ráp. Cô Bắc cũng bị sa lưới quân thù, còn cô Giang thì thoát được. 

Mưu giải cứu bất thành

Nguyễn Thị Bắc, người chị của cô Giang bị bắt, và đem ra xét xử cùng với các yếu nhân khác như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính ngày 28/3/1930 tại Hội đồng Đề hình, đã khẳng khái mà trả lời tòa rằng: “Tôi gia nhập Việt Nam quốc dân đảng là vì tôi thương nước Nam của tôi”.

Sau đó, tại phiên tòa sáng ngày 29/3, khi được nói lời cuối, cô lại dõng dạc tuyên bố, mà “Vụ án Việt Nam quốc dân đảng 1929-1930” ghi lại lời ấy, là: “Xin Hội đồng tha cho tôi, vì tôi chỉ mưu đồ cho nền độc lập của nước Việt Nam chớ không có ý gì phá trật tự cả; còn nếu Hội đồng kết án tử hình, thì cho tôi được chết như bà Jeanne d’Arc”.

Jeanne d’Arc là ai? Ấy là nữ anh hùng của Pháp trong chiến tranh với Anh quốc thời trung cổ. Cái chí của cô Bắc, cũng phản ánh phần nào cái tinh thần yêu nước của hai chị em nhà cô. Sau đó, cô Bắc lãnh án chung thân. 

Phần cô Giang, theo tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương, thì sau khi Nguyễn Thái Học bị bắt, họ cho rằng, cô vẫn là người đóng vai trò liên lạc giữa Nguyễn Thái Học ở trong tù với những lãnh đạo mới của tổ chức. Và họ cũng cho rằng, cô đã chủ trương tiêu diệt những kẻ phản đảng như Phạm Thanh Dương, Nguyễn Thế Ngọc… 

Chân dung Nguyễn Thị Giang
Chân dung Nguyễn Thị Giang

Khi biết người trăm năm sẽ không còn được sống bao lâu nữa, cô Giang - như lời thuật của Nhượng Tống, người cùng trong VNQDĐ -thì vì nhớ thương Nguyễn Thái Học, mà tinh thần luôn thay đổi bất định, các đồng chí trong đảng “phải tốn rất nhiều công bảo vệ cho chị có thể ở yên tại Hà Nội, mà gián tiếp thăm nom anh Học”.

Được tin Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí bị giải lên Yên Bái để hành hình, cô bí mật đáp hỏa xa đi theo. Trong người cô Giang lúc ấy, là một khẩu súng, một trái bom. Cô mang theo để làm gì? Để phá pháp trường, để giải cứu anh Học đấy. Tuy nhiên, 13 người đều là chính trị phạm chịu án cao nhất, lẽ dĩ nhiên người Pháp canh phòng rất cẩn mật, bởi thế mà cô Giang không thể tới gần. 

Cái giờ phút tang thương của hai người, diễn ra thật bi thiết làm sao, mà lời kể dưới đây, cũng chỉ tỏ được phần nào điều ấy: “Đứng đàng xa, với một sức tự trị phi thường, chị đã đem nụ cười mà đáp lại nụ cười của anh Học khi sắp bước lên máy chém. Nấp trong đám người đứng xem, chị đã không lộ mảy may nỗi đau xót cho người ngoài biết”.

Còn gì đau đớn hơn phải chứng kiến cái chết của người hẹn ước trăm năm cùng mình ngay trước mặt mình, mà không làm gì đổi khác được. Nhưng hẳn, chị cũng lấy làm tự hào với sự hi sinh ấy. 

Hai bức thư để lại

Thoát khỏi nanh vuốt của thực dân Pháp, nhưng người đồng chí, vị lãnh tụ, cũng là người bạn đời đã lên đoạn đầu đài thụ án tử, người nữ chiến sĩ họ Nguyễn đã thực hiện đúng cái lời nguyện ước của mình với Nguyễn Thái Học lúc hai người còn ở bên nhau.

Số là khi cùng nhau thề nguyền ở bên nhau trọn đời nơi đền Hùng vương, theo lời kể của Nhượng Tống, thì cô Giang đã cố xin người trong mộng “giao cho một khẩu súng sáu, và hứa “nếu Học chẳng may chết vì Nước, thì Giang cũng xin lấy khí giới này mà chết theo chồng!” Và quả thế, chị đã làm thật. 

Sau khi trực tiếp chứng kiến những giờ phút cuối cùng của người cắt tóc thề cùng mình, trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)” kể lại rằng, chị quay về nhà trọ, viết hai lá thư tuyệt mệnh, ra chợ mua mấy vuông vải trắng làm khăn để tang chồng, rồi buổi chiều đi hỏa xa sang Vĩnh Yên.

Sớm hôm sau, chị về Đồng Vệ gần làng Thổ Tang, thăm lại cái quán giữa đồng nơi hai người từng ngồi tâm sự, rồi sau đó người nữ anh hùng đóng cửa cuộc đời mình nơi cõi tạm bằng một phát súng vào thái dương bên phải. Lúc ấy, chị đang mang trong mình cốt nhục của Nguyễn Thái Học. 

Trước lúc quyên sinh ngày 18/6, cô Giang viết hai bức thư để lại, đều ký tên là “Nguyễn Thái Học phu nhân”, một gửi cho cha mẹ chồng, một gửi cho chồng. Xem hai bức di thư ấy, ai mà không cảm động và cảm phục cái chí khí lớn lao của người phụ nữ vốn thân bồ liễu. Hai thư ấy, đề ngày 17/6/1930, nay xin cứ chép nguyên văn ra, cho bạn đọc tỏ thêm về nữ liệt sĩ ấy.

Bức thư gửi cha mẹ chồng viết: “Thưa Thầy, Mẹ, Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc con: không báo được thù cho nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con! Đứa con dâu thất hiếu kính lạy”.

Bức thư gửi chồng viết: “Anh đã là người yêu nước! Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước, Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng! Phải chịu đựng nhục nhã, mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ” (Còn thêm bài thơ lục bát, vì khuôn khổ có hạn, chúng tôi xin không chép ra đây). 

Hai di thư ấy, toàn là vì đại sự cả đấy, chẳng màng đến thân mình, phận mình. Cái chí ấy, chẳng phải đã xứng “Làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam” đấy ư! Chết đây, mà còn sống mãi vậy! Năm 1946, nhà văn Nguyễn Tư Hồng khi nhắc đến người nữ anh hùng họ Nguyễn, đã viết bài Đường luật, mà khái lược được cả cuộc đời, nghĩa cả của cô Giang:

“Tình chồng, nợ đảng, gánh giang san;

Thác xuống tuyền đài hận chửa tan.

Xương trắng nêu cao gương tiết nghĩa,

Máu hồng in thắm chữ trung can.

Ngàn năm Tổ Quốc ơn ghi mãi,

Một thác tình chung nghĩa trả trên.

Thành bại mặc ai người nghị luận,

Muôn ngàn năm để tiếng Cô Giang”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.