“Hình sự hóa tranh chấp dân sự” tái bùng phát

 Xung quanh những vụ tranh chấp dân sự bị hình sự hóa, người ta không thấy bóng dáng VKS với vai trò là cơ quan  giám sát hoạt động tư pháp và bảo vệ pháp luật, mà chỉ thấy VKS với vai trò là cơ quan đi… giải quyết hậu quả...

Xung quanh những vụ tranh chấp dân sự bị hình sự hóa, người ta không thấy bóng dáng VKS với vai trò là cơ quan  giám sát hoạt động tư pháp và bảo vệ pháp luật, mà chỉ thấy VKS với vai trò là cơ quan đi… giải quyết hậu quả. 

Đại diện VKS tại tòa. Ảnh minh họa
Đại diện VKS tại tòa. Ảnh minh họa

Từ những vụ bắt giữ không bình thường…

Vụ án vẫn còn nóng dư luận bởi đơn kêu oan của “bị cáo” là vụ “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại Hoài Đức, (Hà Tây cũ). Ông Vũ Đắc Lý, Giám đốc Cty TNHH Lý Hùng trở thành “tội phạm” trong lúc đang thực hiện hợp đồng với Cty cổ phần Nghi Tàm.

Tháng 12/2005, ông Lý ký Hợp đồng số 739 với Cty Quản lý đường sắt Hà Thái, theo đó Cty Lý Hùng được sửa dụng nền đường do Cty Hà Thái để làm đường vào công trường của ông. Hợp đồng nêu rõ, chỉ có phương tiện của Cty Lý Hùng được sử dụng con đường này.

Nhưng thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp đang san lấp khu An Khánh để xây dựng đô thị, và phương tiện của họ đã đi vào con đường độc quyền của Cty Lý Hùng. Vì thế, nhân viên Cty Lý Hùng đã chặn các phương tiện này lại, trong đó có phương tiện của Cty Nghi Tàm.

Vì lý do trên, Giám đốc Công ty Nghi Tàm đã thỏa thuận đóng góp 100 triệu đồng cho Cty Lý Hùng để được sử dụng con đường. Khi hai bên thực hiện việc giao nhận tiền thì bất ngờ điều tra viên của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an “bắt quả tang” ông Lý đang “cưỡng đoạt” tiền của Cty Nghi Tàm.

Ông Lý bị khởi tố, bắt giam 4 tháng; sau đó, bị VKSNDTC truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Có điều, khi hồ sơ vụ án được chuyển về Hoài Đức để định tội thì TAND huyện Hoài Đức nói “không” với việc buộc tội, nên VKSNDTC phải đình chỉ vụ án và… miễn tội cho người không có tội này.

Một trường hợp khác, cũng xảy ra tại CQĐT Bộ Công an và VKSNDTC. Đó là tranh chấp công nợ giữa Cty Thành Luân, Nam Định và Cty Tân Á liên quan đến hợp đồng đại lý. Trong lúc hai bên đang giải quyết nợ nần thì điều tra viên vào cuộc vì “nhận được tố cáo” của Cty Tân Á. Điều tra viên đã “tạm giữ” 100 triệu đồng của “con nợ” rồi giao cho chủ nợ.

Khi hai bên đã thống nhất “không còn nợ gì nhau”, CQĐT lại khởi tố bị can đối với người đã trả hết nợ và được VKSNDTC phê chuẩn việc khởi tố. Song với sự thật là “con nợ” không còn nợ nữa, VKSNDTC phải đình chỉ vụ án và… miễn tội cho người không có nợ là ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Cty Thành Luân.

 .. đến chuyện bị hại phải “khắc phục hậu quả”

Báo PLVN đã nhiều lần nói đến vụ án xảy ra tại Cty chứng khoán Bảo Việt. Cũng xuất phát từ đơn tố cáo của một đương sự - bà Bùi Thị Minh, CQĐT vào cuộc và biến một tranh chấp tài khoản chứng khoán thành một vụ phạm tội. Vụ án cũng được VKSNDTC phê chuẩn.

Trong quá trình điều tra, gia đình bị can Minh Anh được khuyên là phải “khắc phục hậu quả” trả tiền cho bà Minh nhưng bị can Minh Anh luôn nói “không” vì tài khoản do anh mở tại Cty Chứng khoán Bảo Việt là của anh, nên việc anh rút tiền từ tài khoản không thể là chiếm đoạt tiền của người khác.

Trong khi người bị coi là “kẻ phạm tội” nói không với việc khắc phục hậu quả thì một chuyện ngược đời xảy ra. Công ty chứng khoán Bảo Việt, tổ chức được Cơ quan điều tra, VKS xác định là “bị hại” đã đem 1,5 tỷ đồng đến CQĐT để nộp nhằm khắc phục hậu quả. Sau vụ nộp tiền lạ đời này, 3 nhân viên của Cty chứng khoán Bảo Việt được tha tội vì CQĐT và VKSNDTC đã họp và thấy họ phạm tội do “thiếu kinh nghiệm”. Chỉ còn kẻ duy nhất không chịu “khắc phục hậu quả” phải ra hầu tòa.

Các vụ án trên đây là tranh chấp dân sự rất rõ ràng nhưng đã bị CQĐT xác định là tội phạm và VKSNDTC cũng phê chuẩn dẫn đến công dân phải chịu oan.

Những vụ án trên, VKS là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp nhưng không những không “thổi còi” những việc làm sai mà còn trở thành một phần của sai phạm để rồi phải “đổ vỏ” cho người khác. Các luật sư nói gì về điều này:

Thưa Luật sư Trương Anh Tuấn, theo quy định của pháp luật thì vai trò của VKS trong việc kiểm sát điều tra như thế nào?

- VKS có vai trò quyết định đối với việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Nếu không có sự đồng ý, phê chuẩn của VKS thì CQĐT không thể làm được. Ngoài ra, VKS còn là người “cầm còi”, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của CQĐT và Tòa án. Nếu VKS nói “không” với việc khởi tố, bắt giam và truy tố bị can nào thì CQĐT sẽ không khởi tố được.

Như vậy, đối với các vụ án bị “hình sự hóa”, VKS là một phần của các oan án, thưa ông?

- VKS chịu trách nhiệm đối với việc phê chuẩn quyết định khởi tố, tạm giam nên nếu xác định là  bị can bị oan thì VKS là cơ quan phải bồi thường. Vì thế, sự liên quan giữa VKS và CQĐT là rất mật thiết. Đối với những vụ án oan sai, VKS thậm chí phải bồi thường thay cho CQĐT vì họ đã ra các quyết định làm thay đổi số phận của công dân chứ không phải CQĐT.

Đó là lý do mà hầu hết các vụ án có dấu hiệu oan sai, VKS đều phải ra quyết định đình chỉ, kể cả quyết định đó không đúng pháp luật phải không, thưa ông?

- Trong thực tế, tôi thấy có hiện tượng như vậy. Trong vụ án Vũ Đắc Lý, Nguyễn Văn Lượng, VKSNDTC phải ra quyết định đình chỉ vụ án mặc dù thiếu căn cứ pháp luật. Nếu họ nói “không” với đề nghị khởi tố và quyết định tạm giam của CQĐT thì có lẽ chuyện họ ra quyết định đình chỉ đầy tai tiếng đã không xảy ra.

Thưa Luật sư Trần Việt Hùng, đối với các vụ án có dấu hiệu oan sai, có phải đã có sự thiếu trách nhiệm từ phía VKS?

- Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do bản thân VKS cũng nhận thức các tranh chấp dân sự đó là tội phạm. Cũng có thể do thông tin và CQĐT báo cáo là chưa đầy đủ nên dẫn đến VKS quyết định sai lầm. Nhưng dù là lý do gì, theo tôi, VKS đã không làm tròn trách nhiệm của cơ quan kiểm sát điều tra, là nguyên nhân của các vụ án oan. Đây cũng là ký do mà VKS không phải là người “ném lao” nhưng vẫn phải “theo lao” và giải quyết hậu quả.

Xin cảm ơn các ông!

P.V

Đọc thêm

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án
(PLVN) - Ngày 23/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa 3 bị cáo gồm: Võ Thị Văn Chương (SN 1986, tại Bình Định. Trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê giữ chức vụ Kế toán kiêm thủ quỹ; Phan Hùng Thắng (SN 1976, tại Bình Định. Trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giữ chức vụ Cửa hàng trưởng; Trần Thị Thắm (SN 1990. Trú tại thị trấn Chư Sê) giữ chức vụ Kế toán bán hàng của Công ty TNHH MTV Đ.D Chư Sê (viết tắt là Cty Đ.D), có địa chỉ tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả
(PLVN) -   Tẩn Seo Lụ đã mua thỏi vàng giả trên mạng xã hội với giá 5 triệu đồng rồi cấu kết với đối tượng Deng Fuqiang (quốc tịch Trung Quốc) lập facebook dàn dựng kịch bản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ lời khai của băng cướp tiệm vàng tại Bình Dương hé lộ hậu họa từ những “nhóm kín”

Phạm Hoàng Hưng là đối tượng chủ mưu trong vụ cướp.
(PLVN) -Đối tượng Phạm Hoàng Hưng (28 tuổi, chủ mưu, trực tiếp cầm súng cướp tiệm vàng Bích Quý ở huyện Bàu Bàng) vừa bị Công an Bình Dương cùng Bộ Công an phối hợp Cảnh sát Campuchia bắt giữ tại một casino ở nước bạn. Trước đó, Nguyễn Linh Đoan (30 tuổi, quê Quảng Nam), là nghi phạm đầu tiên trong vụ cướp bị bắt giữ. Tiếp đó, Trần Quang Triệu (31 tuổi, quê Bình Định), ra đầu thú. Hiện công an tiếp tục truy bắt nghi can còn lại là Nguyễn Hoàng Nhi (ngụ Tây Ninh), nghi vấn hiện còn lẩn trốn ở Campuchia.