2 đứa trẻ mồ côi sau ngày bố mang dao đi “nối” tình duyên

Bị cáo Hà Quang Thắng trước vành móng ngựa.
Bị cáo Hà Quang Thắng trước vành móng ngựa.
(PLO) -Bị vợ cũ nhất quyết đoạn tuyệt, Hà Quang Thắng (SN 1988, ngụ huyện Phúc Thọ, Hà Nội) liền mang dao đi “nối” lại tình duyên. Chẳng ngờ mẹ mất, bố chịu án, hai đứa con phải bơ vơ là kết cục đau lòng của bi kịch tự Thắng gây nên.

Không chịu ly hôn

Vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã đưa bị cáo Hà Quang Thắng ra xét xử với tội danh “Giết người”, nạn nhân là chị Tô Thị Dậu (SN 1993) - vợ cũ của bị cáo. Trước khi án mạng xảy ra, Thắng và chị Dậu đã hoàn tất thủ tục ly hôn.

Theo cáo trạng truy tố, vợ chồng Thắng từng có cuộc sống hạnh phúc nhưng từ khi chị Dậu sinh con thứ hai thì ông chồng này bắt đầu đổ đốn ham mê cờ bạc, rượu chè và thường xuyên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Không chịu đựng được cảnh chung sống với ông chồng vũ phu, tệ nạn, chị Dậu quyết định đâm đơn xin ly hôn để tự giải thoát cho mình. 

Khoảng 2 tháng sau ly hôn, ngày 21/8/2016, Thắng tìm đến với mong muốn hàn gắn tình cảm nhưng chị Dậu không đồng ý. Không thể ngọt nhạt, Thắng giở thói côn đồ dùng dao để uy hiếp “thuyết phục” nhưng chị Dậu vẫn kiên định nhất quyết không về sống chung.

Như kẻ điên tình, Thắng liền dùng dao truy sát khiến chị Dậu tử vong tại chỗ. Về phần Thắng, sau khi sát hại vợ, hắn định tự tử nhưng bất thành và được người thân đưa tới cơ quan công an đầu thú. 

Hạnh phúc tan vỡ vì... ghen

Nỗi uất hận mất đi đứa con duy nhất khiến bà bà Tô Thị Tạo không thể kìm được dòng nước mắt khi kể lại chuyện cũ. Trước kia, chị Dậu làm nghề may còn Thắng làm nghề tiếp thị, thu nhập hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cuộc sống nhưng gia đình lúc nào cũng vui vẻ.  

Năm 2015, thấy con đã cứng cáp, chị Dậu nghỉ nghề may và xin làm công nhân cho một công ty gần nhà để ổn định thu nhập. Nhiều hôm, chị Dậu làm tăng ca, thi thoảng vui vẻ liên hoan cùng với bạn bè nên về muộn nhưng lần nào cũng gọi điện báo để người thân bớt lo lắng. 

Thế nhưng, bản tính ích kỷ, Thắng lại đâm lòng hoài nghi tình cảm của vợ. Điển hình, có lần dự sinh nhật bạn, chị Dậu quá chén nên phải gọi Thắng đến đón về. Thay vì thông cảm Thắng lại cho rằng vợ đã thay lòng đổi dạ nên mới đổ đốn như vậy dẫn đến hai bên cãi vã. Nhiều lần như vậy, như giọt nước tràn ly, cuộc sống gia đình Thắng tắt dần tiếng cười thay vào đó là những trận lời qua tiếng lại.

Sự hoài nghi vợ thay tính đổi nết ngày càng lớn lên trong suy nghĩ và hành động của Thắng. Nhiều lần vô cớ nổi cơn ghen, Thắng tra hỏi vợ về lịch trình làm việc và tất thảy các mối quan hệ để gắn cho chị Dậu “mác” đã có nhân tình. Nỗi ấm ức không được giải tỏa khiến Thắng trút giận bằng những trận đòn khiến chị Dậu thâm tím mặt mày. 

Thậm chí, bất hòa của gia đình Thắng không thể “đóng cửa bảo nhau” được nữa mà nhiều lần chính quyền địa phương phải tới can thiệp hòa giải và kể cả biện pháp “mạnh” xử lý hành chính răn đe nhưng anh ta vẫn chứng nào tật ấy. 

Hệ quả tất yếu là chị Dậu đã đâm đơn ly hôn để giải thoát cuộc sống như trên nhưng Thắng vẫn thường xuyên sang gây sự với vợ cũ. Những lần như vậy thì người thân, hàng xóm đều phải canh chừng phòng trường hợp Thắng giở thói côn đồ hành hạ chị Dậu. Vậy mà cuối cùng trong 1 lần không thể kiềm chế bản thân Thắng đã truy sát vợ cũ như trên trước sự bàng hoàng của mọi người.

Con trẻ bơ vơ

Phải đến ngày đứng trước vành móng ngựa nghe luận tội, Thắng mới thực sự bừng tỉnh và thấy ăn năn hối hận trước hành vi phạm tội của mình. Nghe chủ tọa hỏi: “Bị cáo muốn hàn gắn tình cảm thay vì thuyết phục nhẹ nhàng lại mang theo dao để nói chuyện?”. Thắng cho rằng vợ cũ thách thức nên chợt nghĩ: “Vợ đã cạn tình, nếu không thuyết phục được thì sẽ cùng chết”.

Nghe vậy, chủ tọa hỏi tiếp: “Mẹ chết, bố tự sát, ai sẽ nuôi hai đứa con bị cáo?”. Thắng ngập ngừng: “Lúc đó bị cáo không nghĩ đến, giờ mới ân hận”. “Bị cáo đã trưởng thành, lại từng được đào tạo trong môi trường quân đội.

Lẽ ra bị cáo hiểu hơn ai hết điều mình làm để lại hậu quả như thế nào. Lẽ ra bị cáo phải có trách nhiệm xây dựng cho các con một tổ ấm hạnh phúc, nuôi dưỡng giáo dục các con trưởng thành chứ không phải để lại nghĩa vụ đó cho bố mẹ bị cáo”, vị chủ tọa đanh thép. Nghe những lời nói thế, Thắng bỗng bật khóc như một đứa trẻ. 

Còn ở phía dưới, nghe lời luận tội, đối đáp của cậu con rể, bà Tạo cũng không kìm được nước mắt nói: “Nó nói thương con là không đúng. Nếu nó thương con thì nó đã không đánh vợ, đánh mẹ vợ trước mặt các con bao nhiêu lần như thế. Tôi yêu cầu xử “mạng đổi mạng”. 

Kể lại diễn biến một phần sự việc, ông Hà Văn Thoả - bố bị cáo cho biết, hôm gây án, Thắng đón con về nhà rồi mang dao sang nhà mẹ vợ để tiếp tục “nói chuyện” với vợ. Đến hôm nay, hai bên gia đình vẫn giấu hai đứa trẻ sự việc nên chúng vẫn nghĩ bố mẹ đang làm ăn xa nên chưa về thăm. 

Cố giấu giọt nước mắt đang trực trào ông Thoả nói: “Con tôi làm sai, các cháu tôi phải gánh chịu hậu quả mất mẹ vắng cha. Phận làm ông bà, tôi vẫn chăm sóc các cháu hằng ngày. Nhưng không biết sau này chúng tôi già đi, các cháu nương nhờ nơi nào? Tôi chỉ mong tòa khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để các con được nhìn thấy bố”. 

Theo lời ông Thoả, từ khi mẹ mất, bố đi tù, con gái út của chị Dậu vẫn luôn miệng bi bô gọi mẹ, nhiều hôm trái nắng trở trời cháu ốm vặt cứ nhèo nhẽo đòi mẹ ru, những lúc ấy ông Thỏa chỉ biết dối lòng bảo cháu “mẹ sắp về rồi”. Nhưng nhìn cháu ngủ thiếp đi vì mệt mà lòng ông Thỏa quặn đau vì sẽ chẳng bao giờ mẹ chúng về được được nữa, còn bố nó thì chưa biết bao giờ mới gặp được các con. Nói rồi, ông lén lau nước mắt thương cho hai đứa trẻ đã sớm mồ côi cha mẹ. 

Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, HĐXX chỉ ra rằng, hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, mang tính côn đồ, bị cáo không chỉ cướp đi sinh mạng của vợ cũ còn gây ám ảnh cho trẻ thơ sau này. Tuy nhiên, toà xét thấy, hai con của bị cáo còn nhỏ, nên việc không loại khỏi xã hội là sự nhân từ của pháp luật để các con của bị cáo có cơ hội gặp bố nên tuyên phạt bị cáo tù “chung thân”.

Từng phút trong phiên tòa đã trôi qua trong không khí ảm đạm, hình ảnh người mẹ già hai tay cầm di ảnh con gái siết chặt khóc khi nghe tòa tuyên án càng làm cho không khí thêm não lòng.

Tiếng khóc hờ: “Nó chết trẻ quá. Hai đứa trẻ còn ngây dại không biết việc gì. Nếu sau này chúng tôi đều già yếu, ai sẽ chăm sóc cho chúng bây giờ”, cứ văng vẳng mãi trong tâm trí những người dự khán, nhắc nhở về bi kịch của một cuộc sống gia đình có cái kết không có hậu.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.