Tình mẫu tử, nghịch tử và án tử

Trong câu chuyện của "giang hồ" Hà Nội, Nguyễn Văn Hưng tức Hưng "chết" được coi là gã tội phạm bất hiếu bậc nhất. "Dân anh chị" dù côn đồ đến đâu cũng hiếm khi dám đối xử vô lễ với những đấng sinh thành, nhưng Hưng đã dám làm như vậy. Nhìn ở một khía cạnh khác, lòng yêu con mê muội của người mẹ nhịn nhục cũng là một yếu tố đẩy con trai mình trượt dài đến án tử.

Trong câu chuyện của "giang hồ" Hà Nội, Nguyễn Văn Hưng tức Hưng "chết" được coi là gã tội phạm bất hiếu bậc nhất. "Dân anh chị" dù côn đồ đến đâu cũng hiếm khi dám đối xử vô lễ với những đấng sinh thành, nhưng Hưng đã dám làm như vậy. Nhìn ở một khía cạnh khác, lòng yêu con mê muội của người mẹ nhịn nhục cũng là một yếu tố đẩy con trai mình trượt dài đến án tử.

"Quý tử" bất hiếu

Hưng "chết" sinh năm 1975 ở phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm. Giới giang hồ khu vực có nhiều cách giải thích về cái biệt hiệu quái gở của Hưng. Người cho rằng khi va chạm với người khác, gã hay dùng những câu nói có từ "chết" như "tao giết chết mày, chém chết mày..." đại khái là hăm dọa rất ghê gớm. Cũng có người lại giải thích do gã thuộc loại người "giả chết bắt quạ".

Sống trong giang hồ, với bề ngoài thơn thớt nói cười nhưng thực chất gã rất "tiểu nhân", có thể "đâm dao sau lưng" người khác bất cứ lúc nào. Nhắc về sự "tiểu nhân" của Hưng "chết", nhiều tay anh chị lắc đầu: "Nó là thằng bất hiếu có tiếng. Mẹ rứt ruột đẻ ra, nó còn không tha thì nó tha gì ai".

Và câu chuyện về sự bất hiếu của gã giang hồ này thì những bạn bè cùng trang lứa là hiểu rõ nhất. Bố Hưng mất sớm vì bạo bệnh khi gã chưa đầy một tuổi. Mẹ Hưng ở vậy tần tảo khuya sớm nuôi 3 đứa con, hai cô con gái đầu mới chỉ biết bế em, còn cậu út thì vẫn đang ẵm ngửa. Bao nhiêu tình thương mẹ đều dồn hết cho "quý tử" sớm phải chịu thiệt thòi. Lớn dần lên trong vòng tay của mẹ và được nuông chiều thái quá, Hưng không mảy may coi trọng những tình cảm thiêng liêng đó. Nhất là với mẹ, Hưng lại càng hỗn láo.

Người xưa có câu "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo", nghĩa là cha mẹ dù hoàn cảnh có nghèo khổ đến thế nào, phận làm con hiếu thuận cũng không được phép chê bai, oán trách. Nhà Hưng không đến nỗi quá nghèo nhưng Hưng lại luôn cảm thấy xấu hổ vì mẹ mình. Là bởi mẹ Hưng có ngoại hình rất khắc khổ, là người "phố cổ Hà Thành" mà trông "quê một cục, cứ như bà nông dân" như lời Hưng thường than phiền với bạn bè.

Gã bất hiếu không thể hiểu và có lẽ cũng không muốn hiểu sở dĩ mẹ mình già trước tuổi như thế là vì ai. Cả tuổi xuân của bà đã hy sinh để nuôi mấy đứa con được ăn học, được bằng bạn bằng bè. Dấu ấn của một thời khốn khó đã in hằn trên chiếc lưng còng và làn da nhăn nheo của người phụ nữ mới ngoài 50 tuổi.

Xấu hổ trước vẻ ngoài của mẹ nên mới hơn chục tuổi đầu, Hưng đã lần đầu tiên tỏ thái độ bất hiếu. Trên đường đi học về với một số bạn cùng lớp, vô tình gặp mẹ, mẹ gọi lại hỏi han, Hưng cứ vùng vằng tỏ vẻ khó chịu.

Sau đó, mẹ còn chưa kịp đi xa, các bạn hỏi ai thì Hưng thản nhiên: "Người giúp việc nhà tao đấy". Người mẹ tội nghiệp nghe rõ câu trả lời của đứa con trai, bà sững lại nhưng rồi cố... nuốt nước mắt vào trong. Chắc bà biết trông mình khó coi như thế nào nên cũng không dám nặng lời trách móc "nghịch tử", cứ bỏ qua coi như không biết.

Chính sự nuông chiều thái quá ấy đã khiến Hưng ngày càng ngỗ nghịch, hư đốn. Học hết cấp hai, Hưng tự ý bỏ học, suốt ngày lang thang cùng đám bạn bè, tập tành thói đàn anh đàn chị. Kể từ lúc đó, gã như một "ông trời con" trong gia đình. Đi thì thôi, đói bụng là về nhà hạch sách ăn uống, đòi tiền tiêu pha. Khổ nhất là hai người chị, cứ tỏ thái độ chống đối là gã "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" không thương tiếc. Sợ đến nỗi về sau, Hưng bảo gì thì hai chị cứ răm rắp làm theo, không dám "cãi" lấy một tiếng.

Đối với mẹ, tuy chưa giở thói hành hung nhưng gã ngày càng coi thường người đã rứt ruột đẻ ra mình. Một lần mẹ góp ý về chuyện đàn đúm với bạn bè xấu, Hưng "chết" nổi điên mạt sát mẹ bằng đủ thứ ngôn từ tệ hại nhất mà người ta vốn chỉ dùng để chửi bới kẻ thù. Sau cú sốc khủng khiếp đó, người mẹ hầu như câm lặng, bà vẫn lo lắng mọi thứ cho thằng "nghịch tử" nhưng không bao giờ dám góp ý hay mắng mỏ gã thêm một lần nào nữa.

Bán nhà vẫn không cứu được con

Mãi đến năm 18 tuổi, Hưng "chết" mới lần đầu tiên phải trả giá vì tội bất hiếu. Bấy giờ gã đã là thành viên của một băng nhóm khá tên tuổi trong khu vực quận Hoàn Kiếm. Lần đó, gã "đại ca" vô tình đến nhà Hưng "chết", định rủ đi làm cùng trong một phi vụ. Và gã đã chứng kiến "đàn em" của mình chửi bới mẹ kinh khủng như thế nào.

Gã "đại ca" chẳng nói chẳng rằng lao tới đánh cho Hưng "chết" một trận bò lê bò càng. Sau đó, chỉ mặt đàn em, bảo: "Đừng bao giờ để tao nhìn thấy mặt mày nữa. Với mẹ ruột mày còn thế, với anh em biết mày "cắn trộm" lúc nào".

Trận đòn tàn bạo của "đại ca" không làm Hưng "chết" bớt bất hiếu, thậm chí còn đánh thức phần “con” trong gã. Nhiều giang hồ đương thời cho rằng bản chất của Hưng là "máu lạnh". Bởi nếu không "máu lạnh" thì gã đã không đối xử tệ bạc như thế với những người ruột thịt của mình. Và tốt nhất là nên tránh xa gã.

“Đại ca” ra tay "dạy bảo" Hưng đã mắc phải sai lầm đó. Sau trận đòn vài ngày, Hưng "chết" thủ dao, nhằm lúc “đại ca” đi một mình thì "báo thù rửa hận". Hậu vụ việc, “đại ca” thân tàn ma dại, còn Hưng "chết" lĩnh án 3 năm tù giam.

Được trả tự do năm 1996, trở về nhà, hai người chị gái đã đi lấy chồng. Mở rộng vòng tay đón đứa con trai, người mẹ mong rằng sau thời gian cải tạo, "quý tử" phần nào hiểu ra những lỗi lầm của mình. Quả nhiên, thời gian đầu ở nhà, Hưng "chết" tỏ ra khá ngoan ngoãn. Người mẹ không giấu được nỗi vui mừng, đi đâu bà cũng khoe về sự tiến bộ của con trai. Nhưng bà đâu biết, trong đầu nghịch tử đang tính toán những âm mưu đen tối.

Thực chất, đứa con bất hiếu cũng không phải mất quá nhiều công sức để đưa người mẹ tội nghiệp vào bẫy. Chỉ cần tỏ vẻ ngoan ngoãn một chút thì gã tỉ tê thế nào mẹ cũng thuận theo. 6 tháng sau khi Hưng "chết" ra tù, mẹ gã bán ngôi nhà phố cổ, thuê tạm một căn nhà sập xệ ngoài bãi sông Hồng, giao toàn bộ số tiền cho con trai làm lại cuộc đời.

Ngay khi cầm được tiền từ tay mẹ, nghịch tử lộ nguyên hình. Bỏ mặc mẹ già còm cõi ở ngôi nhà thuê, gã "lặn" mất tăm mất tích. Nếu không nhờ hai người con gái đã có gia đình ổn định chăm nom, hết lời an ủi, người mẹ tội nghiệp có lẽ đã không còn sức để chịu đựng sự "đại bất hiếu" của thằng con trai duy nhất.

Trong lúc mẹ già khổ sở, Hưng "chết" ném tiền vào một số hoạt động "xã hội đen" như cho vay nặng lãi, buôn hàng quốc cấm... Trong khi lợi nhuận chưa thấy đâu, tiền gốc đã dần được nướng vào ăn chơi thác loạn. Thời gian này, gã "bập" vào ma túy và liều dùng ngày càng tăng. "Hút hít" thì tiền tấn tiền tỉ cũng hết, chỉ hơn năm sau, Hưng trở về tay trắng.

Những cơn nghiện ma túy hành hạ đã lại biến gã thành ác quỷ. Năm 1999, gã cùng đồng bọn gây ra một vụ giết người cướp của ở Hải Dương. Với vai trò chủ mưu, Hưng "chết" phải trả giá bằng án tử hình.

Một bạn tù của Hưng "chết" nhớ lại: "Thời gian đầu ở biệt giam, những cơn nghiện ma túy cùng nỗi tuyệt vọng khiến Hưng trở nên điên loạn. Nó hò hét, đập phá, chửi bới cả ngày, gây không ít khó khăn cho cán bộ quản giáo và các phạm nhân khác". Theo nhân chứng này, sự điên loạn ấy chỉ kết thúc sau ngày người mẹ đến thăm gã. Trở về phòng biệt giam, Hưng bỗng thay đổi không ngờ. Gã không gây mất trật tự nữa, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và bình tĩnh chờ ngày trả giá.

Sau này, một số bạn tù có thời gian gặp Hưng trước ngày gã ra pháp trường cho rằng cuộc gặp cuối cùng với mẹ đã làm hồi sinh phần "người" trong gã. Hưng tâm sự với các bạn tù là đã được mẹ tha thứ, bà nói đại ý: "Con có cái kết cục ngày hôm nay chính có một phần lỗi của mẹ. Vì quá nuông chiều con, mẹ biết con sa ngã mà không làm gì quyết liệt để ngăn cản. Nhưng bây giờ, mẹ tha thứ mọi lỗi lầm cho con".

Thanh Huyền Ngọc

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.