Thôi miên chiếm đoạt tài sản trong góc nhìn chuyên gia luật

 Sau khi PLVN có loạt bài phản ánh hiện tượng các đối tượng xấu dùng xảo thuật thôi miên để chiếm đoạt tài sản và ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này, nhiều bạn đọc băn khoăn những đối tượng này sẽ bị xử lý theo tội danh nào?.

Sau khi PLVN có loạt bài phản ánh hiện tượng các đối tượng xấu dùng xảo thuật thôi miên để chiếm đoạt tài sản và ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này, nhiều bạn đọc băn khoăn những đối tượng này sẽ bị xử lý theo tội danh nào?. Chúng tôi xin trở lại vấn đề dưới góc nhìn của một số chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật.

Đó là tội cướp tài sản

Đề cập đến vấn đề này, có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí ngay cả các thẩm phán, các luật sư cũng có quan điểm không thống nhất. Người thì bảo đó là tội cướp, người khác lại khẳng định là tội cưỡng đoạt tài sản…       

“Theo quan điểm của tôi, hành vi chiếm đoạt tài sản trên đã đủ yêu tố cấu thành tội Cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự”, Luật sư Lê Thiên, Giám đốc Cty Luật Lê và Liên danh nhận định.

LS Lê Thiên còn phân tích cụ thể về hành vi trên như sau: Khác với các dấu hiệu của tội cướp thông thường là dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản. Hành vi “thôi miên” nên được hiểu là thuộc nhóm “hành vi khác” làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Như vậy, khách thể bị xâm hại của hành vi này là quyền sở hữu và tính mạng, sức khỏe con người.

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện bằng hành vi làm tê liệt ý chí của người khác nhằm điều khiển họ theo ý mình để chiếm đoạt tài sản. Mục đích của việc thôi miên là để chiếm đoạt tài sản. Các hành vi nêu trên thường xảy ra trước hoặc cùng thời điểm với hành vi chiếm đoạt tài sản. Tội cướp tài sản được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi thôi miên, làm tê liệt ý chí của người bị thôi miên, khiến họ bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được, bất kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.

Thực tế, nếu có việc chưa chiếm đoạt được tài sản là do nạn nhận kịp tỉnh hoặc do có sự tác động ngoại cảnh (có người hô hoán, có khách ra vào…) là nằm ngoài ý chí của người phạm tội. Tội cướp tài sản được thực hiện do lỗi có ý trực tiếp nhằm mục đích chiếm đoạt, vụ lợi. Bởi vì người phạm tội biết rõ tài sản đó là của người khác nhưng vẫn dùng các xảo thuật  để chiếm đoạt và biến tài sản chiếm đoạt này thành tài sản riêng của mình.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Ái, Phó Chánh án TAND huyện Xuân Trường ( Nam Định) và LS Nguyễn Thêm, Cty Luật Đại Việt (Hà Nội) khẳng định: Những người có hành vi “thôi miên” với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác đã thỏa mãn các dấu hiệu của tội cướp tài sản. “Tội cướp thỏa mãn khi người đó dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội này cũng không qui định giá trị tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu. Hành vi của tội cướp khác với tội trộm cắp tài sản ở chỗ: diễn ra công khai, không lén lút khi chuyển dịch tài sản nằm trong phạm vi quản lý của người khác”- LS Thêm nhấn mạnh.

Cũng có thể là tội Cưỡng đoạt tài sản

Dưới góc độ của một cán bộ kiểm sát xét xử, ông Hoàng Ngọc Cẩn, Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm -VKSND TP. Hà Nội lại có quan điểm khác: Đây là tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 Bộ luật Hình sự. Bởi đối tượng dùng thuật “thôi miên” đã uy hiếp về mặt tinh thần, ý chí của người bị thôi miên. Có thể nói, kẻ này đã dùng các tiểu xảo và thuật “thôi miên” làm cho nạn nhân lú lẫn (là thủ đoạn uy hiếp) khiến cho đối tượng không còn nhận thức được gì ngay tại thời điểm đó hòng cưỡng đoạt tài sản của họ.

 “Trong luật Hình sự chưa có quy định cụ thể về hành vi này. Như các trường hợp mà báo chí đã viện dẫn trong thời gian qua thì đối tượng đã dùng hành vi “thôi miên” để làm mất ý chí của người khác trong khoảnh khắc hòng chiếm đoạt tài sản của họ. Tuy nhiên, tôi chưa thấy xét xử vụ án nào liên quan đến vấn đề thôi miên để chiếm đoạt tài sản. Thực tế có xảy ra những vụ kiểu này, nhưng giá trị tài sản bị kẻ gian lấy đi thường là không lớn, bởi vậy nó chỉ được xử lý theo pháp luật hành chính… Có ý kiến cho rằng đây là hành vi lừa đảo, người khác lại cho là tội cướp. Riêng tôi không bình luận gì và tôi vẫn đang chờ xem Nhà nước sẽ quy định và xử lý về tội danh này như thế nào”. LS Ngô Ngọc Thủy, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.

Điều 133: Tội cướp tài sản           

         "Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt từ ba năm đến mười năm".

Điều 135: Tội cưỡng đoạt tài sản

Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. (Bộ luật Hình sự)

Vân Anh - Thanh Quý

Đọc thêm