Nước mắt người đàn ông trên đường tìm công lý

Tính đến ngày được đình chỉ truy tố, ông Nguyễn Quyết Chiến đã bị tam giam 3 năm 3 tháng 21 ngày và phải đeo “mác” bị can gần 4 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do cơ quan tố tụng đã hình sự hóa một tranh chấp dân sự.

“Nhận được quyết định của VKSNDTC đình chỉ truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tôi mừng rơi nước mắt. Tôi vội đến ngay Báo Pháp luật Việt Nam để báo tin vui. Cảm ơn quý Báo đã sát cánh bên tôi đi tìm công lý...” - ông Nguyễn Quyết Chiến (56 tuổi, ở phường Hiến Nam, TP.Hưng Yên) trình bày trong niềm sung sướng và xúc động nghẹn ngào.

uvkgk
 Ông Nguyễn Quyết Chiến

Tính đến ngày được đình chỉ truy tố, ông Nguyễn Quyết Chiến đã bị tam giam 3 năm 3 tháng 21 ngày và phải đeo “mác” bị can gần 4 năm trời về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do cơ quan tố tụng đã hình sự hóa một tranh chấp dân sự.

Oan khiên từ trên trời rơi xuống

Cuộc đời đã từng vào sinh ra tử, nếm trải đủ vất vả, đắng cay nhưng ông Nguyễn Quyết Chiến vẫn bàng hoàng khi nhớ lại cơn ác mộng “ăn cơm tù, mặc áo số” hơn 3 năm qua. Nguyên nhân dẫn đến “hành vi phạm tội” của ông Chiến bắt nguồn từ một việc mua bán ngay tình. Năm 1996, vợ chồng ông Chiến mua của ông Trần Đức Thịnh thửa đất số 13 tờ bản đồ 70 thuộc phường Hiến Nam có diện tích khoảng 538m2 với giá 140 triệu đồng.

Việc mua bán được hai bên lập thành văn bản giao kèo, có sơ đồ kèm theo, có chữ ký hai bên và các hộ liền kề. Năm 1998, vợ chồng ông Chiến tạm thời làm thủ tục cấp sổ đỏ đối với 73,3m2 đất. Phần diện tích còn lại, đến năm 2002, nghĩ rằng mình đã mua đứt bán đoạn toàn bộ thửa đất nên vợ chồng ông Chiến đã đánh máy lại bản hợp đồng mua bán đất trước đây với ông Thịnh, phần chữ ký bên bán do vợ chồng ông Chiến ký thay. Xong, ông Chiến nộp bản hợp đồng trên vào hồ sơ và được cấp thẩm quyền cho cấp sổ đỏ cho toàn bộ thửa đất.

Năm 2004, UBND tỉnh Hưng Yên tiến hành giải phóng mặt bằng để mở rộng, nâng cấp quốc lộ 39A đoạn qua thị xã Hưng Yên. Theo đó, gia đình ông Chiến bị thu hồi toàn bộ diện tích đất ở thuộc thửa số 13 tờ bản đồ 70, với số tiền đền bù trên 1,6 tỷ đồng. Biết chuyện ông Chiến được nhận tiền đền bù gấp cả chục lần tiền mua, ông Trần Đức Thịnh (người bán đất) còn đến chúc mừng gia đình ông Chiến, hoàn toàn không có việc thắc mắc hay tranh chấp về chuyện mua bán trước đây.

Thế mà đột ngột sau đó, ông Thịnh có đơn tố cáo ông Chiến đã giả mạo chữ ký trong hợp đồng mua bán để chiếm đoạt của ông Thịnh 165m2 đất còn lại trong thửa đất trên. Cho dù ông Thịnh không xác định được diện tích 165m2 đất bị chiếm đoạt (nếu có) thì nằm ở vị trí nào, khi mà hợp đồng mua bán hai bên đã thỏa thuận mua toàn bộ lô đất với xác nhận của các hộ liền kề. Mặc cho vợ chồng ông Chiến kêu oan nhưng ngày 22/8/2007, ông Nguyễn Quyết Chiến vẫn bị khởi tố, bắt giam theo phê chuẩn của VKSND TC về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4, Điều 139 BLHS có mức hình phạt 12-20 năm đến tù chung thân hoặc tử hình.

Ông Chiến bị buộc tội về hai hành vi: 1. Giả mạo chữ ký trong hợp đồng mua bán để chiếm đoạt của ông Trần Đức Thịnh 165m2 đất còn lại trên cùng thửa đất mà ông Thịnh chưa bán cho Chiến; 2. Khai gian nguồn gốc 412m2 đất ao thành đất ở để chiếm đoạt tiền đền bù chênh lệch của Nhà nước tổng cộng 1,69 tỷ đồng. Sau đó, VKSND TC đã hoàn tất cáo trạng (ủy quyền cho VKSND tỉnh Hưng Yên giữ quyền công tố), TAND tỉnh Hưng Yên ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vào tháng 1/2010.

Chuyện về người vợ kêu oan cho chồng 

Trong suốt thời gian ông Chiến bị giam, vợ ông là bà Phạm Minh Nguyệt đã lặn lội từ Hưng Yên ra Báo Pháp luật Việt Nam để kêu oan cho chồng. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người phụ nữ nông dân lam lũ, tất tả đi chiếc xe máy cà tàng, trình bày nỗi oan của chồng trong hai hàng nước mắt.

Trước ngày phiên tòa sơ thẩm dự kiến được mở vào tháng 1/2010, Báo Pháp luật Việt Nam đăng bài “Kết tội bằng chứng cứ “ảo”?” phản ánh việc ông Nguyễn Quyết Chiến bị kết tội oan do có dấu hiệu hình sự hóa tranh chấp dân sự. Sau bài báo, TAND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trước khi mở phiên tòa. Sau đó, Tòa án còn yêu cầu trả hồ sơ bổ sung thêm hai lần nữa nhưng phiên tòa sơ thẩm vẫn không thể mở lại.

Lần gặp vào tháng 10/2010, bà Nguyệt lếch thếch đi bộ, ôm túi hồ sơ đến Tòa soạn tìm phóng viên. Hỏi ra mới biết, chiếc xe máy cà tàng cùng với nhiều vật dụng trong nhà bà Nguyệt đã phải bán đi để lấy tiền thăm nuôi, thuốc thang cho ông Chiến trong tù. Bà Nguyệt khóc bảo rằng sức khỏe ông Chiến hiện suy sụp lắm rồi, chẳng biết có đợi đến ngày được minh oan?

Ngày 18/10/2010, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục có bài “Một vụ án bị hình sự hóa?” phản ánh nỗi oan của ông Nguyễn Quyết Chiến - bệnh binh mất 65% sức khỏe, sau hơn 3 năm giam cầm hiện sức khỏe sa sút trầm trọng nhưng vẫn không được đưa ra xét xử do hành vi không cấu thành tội phạm. Đúng 10 ngày sau bài báo trên, ngày 28/10/2010 ông Chiến được thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại sau hơn ba năm trời bị tạm giam.

Và phải đợi đến hơn nửa năm sau nữa, ngày 11/5/2011 ông Nguyễn Quyết Chiến được nhận quyết định miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án theo điều 25 BLHS với lý do: “Do chuyển biến tình hình, hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Trong nỗi mừng tủi ngày về, ông Chiến và gia đình vô cùng cảm ơn Báo Pháp luật Việt Nam đã sát cánh đồng hành, tìm lại công bằng cho ông.

Sau vụ án là những nụ cười

Trở về nhà sau chuỗi ngày oan khuất, ông Chiến cảm thấy mình vẫn là người may mắn hạnh phúc vì bên cạnh mình có chỗ dựa vững chắc là người vợ tần tảo, thủy chung và hai đứa con ngoan. Ngày ông bị bắt, cậu con trai lớn phải nghỉ học để đi làm phụ mẹ nuôi em và thăm nuôi bố. Cô con gái út hồi đó đang học cấp 3, nay con đã sắp hoàn thành chương trình liên thông lên Đại học. Mừng là trong chuối ngày tuyệt vọng tăm tối đó, vợ con ông đã đủ bản lĩnh vượt lên hoàn cảnh.

Ông Chiến trầm ngâm kể: “Hôm giao quyết định đình chỉ truy tố, cán bộ VKSNDTC dặn tôi: Về nhà chịu khó làm ăn lương thiện, nhớ đừng có kiện tụng lung tung nghe chưa?”. Tôi thấy ấm ức vô cùng, cả đời tôi lương thiện, hy sinh cả máu xương tuổi trẻ, đã bị cơ quan tố tụng đẩy vào oan sai. Họ đã không một lời xin lỗi lại còn được ban ơn, tha bổng, thật cay đắng quá!” Mà cũng kỳ lạ, Cáo trạng của VKSND TC cáo buộc ông Chiến lừa đảo số tiền trên 1,6 tỷ đồng, nhưng tại Quyết định đình chỉ điều tra lại nhận định rằng: Do số tiền lừa đảo chỉ trên 6 triệu đồng nên hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa! Phải chăng cơ quan tố tụng phải làm thế để hợp thức hóa việc làm oan sai cho công dân? Ông Chiến khẳng định chắc chắn sẽ khiếu nại, kêu oan; buộc cơ quan làm oan sai thì phải xin lỗi bồi thường cho mình.

Người ta bảo một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài, nữa là ông Chiến đã từng phải ăn cơm tù, mặc áo sọc hơn 3 năm! Dấu hiệu oan sai ở trường hợp ông Nguyễn Quyết Chiến rất rõ ràng, đề nghị VKSND TC cần nhìn nhận một cách sòng phẳng, công tâm. Không thể vì chuyện né tránh trách nhiệm (trong đó có trách nhiệm bồi thường cho người bị oan) mà làm sai lệch bản chất vụ việc và sai pháp luật.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Bị cáo tại tòa.

Lãnh 12 tháng tù vì 1 viên đạn

(PLVN) - Ngày 25/4, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Song Hào (SN 1969, ở Đống Đa, Hà Nội) ra xét xử và tuyên phạt 12 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Đọc thêm

Thanh Hóa: Tổ chức sử dụng ma túy trong đám cưới

Các đối tượng: Chung, Minh, Ba, Nam (từ phải qua trái)
(PLVN) - Một số đối tượng có biểu hiện tổ chức sử dụng ma túy tại đám cưới của Phùng Văn Chung nên đã triệu tập lên Công an xã làm việc và test nhanh ma túy. Qua test nhanh nước tiểu trong cơ thể của Phùng Văn Chung, Đặng Trọng Minh kết quả đều dương tính với ma túy.

Nghệ An: Khởi tố đối tượng gây ra hơn 10 vụ trộm cắp

Đối tượng Lê Sỹ Đào
(PLVN) - Ngày 24/4, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Yên Thành vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với đối tượng Lê Sỹ Đào (SN 1986, trú tại xóm 7, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn). Đây là đối tượng đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp tài sản.

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án
(PLVN) - Ngày 23/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa 3 bị cáo gồm: Võ Thị Văn Chương (SN 1986, tại Bình Định. Trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê giữ chức vụ Kế toán kiêm thủ quỹ; Phan Hùng Thắng (SN 1976, tại Bình Định. Trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giữ chức vụ Cửa hàng trưởng; Trần Thị Thắm (SN 1990. Trú tại thị trấn Chư Sê) giữ chức vụ Kế toán bán hàng của Công ty TNHH MTV Đ.D Chư Sê (viết tắt là Cty Đ.D), có địa chỉ tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.