Các luật sư phân tích vụ Nguyễn Đức Nghĩa : Cha tử nạn, con có thoát án tử hình?

 Trước phiên phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Nghĩa (hung thủ vụ xác chết không đầu) ông Nguyễn Đức Hùng, bố Nghĩa đã tử nạn trong một va chạm giao thông và mẹ của bị cáo này đã có đơn xin giảm án tử hình cho con. Dư luận gây xôn xao với nhiều luồng ý kiến khác nhau và phần lớn tựu trung rằng: Cha tử nạn, con có thoát án tử hình?

Trước phiên phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Nghĩa (hung thủ vụ xác chết không đầu) đã xuất hiện tình tiết ông Nguyễn Đức Hùng, bố Nghĩa tử nạn trong một va chạm giao thông và mẹ của bị cáo này đã có đơn xin giảm án tử hình cho con. Dư luận gây xôn xao với nhiều luồng ý kiến khác nhau và phần lớn tựu trung rằng: Cha tử nạn, con có thoát án tử hình?

Trước bi kịch của gia đình Nguyễn Đức Nghĩa, đạo lý và sự cảm thông trong sâu thẳm của mỗi con người khiến những người dù có sắt đá đến đâu đi nữa cũng ngậm ngùi và mong muốn Tòa cho tử tội này một cơ hội.

Việc ông Nguyễn Đức Hùng – bố bị cáo tử nạn là một tình tiết mới không nằm trong vụ án nhưng có tác động đặc biệt đến những người quan tâm đến vụ án và cả thẩm phán, công tố viên, luật sư. Trước câu hỏi “liệu Nguyễn Đức Nghĩa có được giảm hình phạt vì cha mới tử nạn”, chúng tôi có cuộc trao đổi một số luật sư về các quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý tình huống này.

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng

 * Thưa Luật sư, trong thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến những thông tin liên quan đến tử tội Nguyễn Đức Nghĩa. Ông nghĩ gì sự kiện bố của bị cáo này tử nạn trước phiên tòa phúc thẩm ít ngày?

Luật sư Trần Văn Toàn
Luật sư Trần Văn Toàn

- Cũng giống như nhiều người, tôi chia sẻ nỗi đau thương và mất mát về cái chết bất ngờ của ông Nguyễn Đức Hùng. Sự ra đi đột ngột này có tác động cực lớn về mặt tâm lý đối với mọi người vì có thể, chúng ta sẽ phải chứng kiến sự “ra đi” được dự báo trước của Nguyễn Đức Nghĩa. Đối với một gia đình, đó thực sự là tột cùng của nỗi đau dù cái chết của Nghĩa là sự trả giá đối với tội lỗi mà bị cáo này gây ra.

Mặc dù rất căm ghét và lên án hành vi mất nhân tính của bị cáo này, nhưng với sự kiện bất ngờ vừa xảy ra, tôi cũng mong Tòa cho anh ta một cơ hội. Chúng ta nên chia sẻ nỗi đau với gia đình Nghĩa và thay vì muốn xử tử kẻ có tội, hãy cảm thông và tha thứ cho anh ta vì đạo lý người Việt Nam là như vậy.

 * Nhưng thưa ông, giữa luật pháp và tình cảm là hai lĩnh vực khác nhau. Việc ông Nguyễn Đức Hùng tử nạn có phải là một tình tiết giảm nhẹ để tòa án áp dụng để giảm hình phạt cho Nguyễn Đức Nghĩa không?

- Sự kiện ông Hùng ra đi đột ngột nằm ngoài dự liệu của pháp luật. Nếu ông Hùng mất vì bệnh tật hoặc mất trước phiên tòa một khoảng thời gian dài, có lẽ sẽ không tác động nhiều đến tâm lý mọi người và có lẽ sẽ ít ai đặt ra vấn đề xem xét lại án tử hình đối với Nguyễn Đức Nghĩa. Nhưng trước sự ra đi đột ngột và cận kề phiên tòa như vậy đã khiến mọi người đều buồn, thông cảm với gia đình ông Hùng và mong tòa án tha tội cho tử tội này.

Theo Khoản 2, Điều 46 Bộ Luật hình sự, Tòa án có thể xem xét một tình tiết không được quy định trong luật là tình tiết giảm nhẹ. Như vậy, cũng có thể xem đây là một tình tiết giảm nhẹ vì đây là hoàn cảnh khá đặc biệt, hy hữu. Xét cho cùng, hình phạt không phải là sự trả thù. Vì thế, trước hoàn cảnh bi kịch của gia đình ông Hùng, chúng ta không nên đẩy cuộc sống của họ lún sâu vào bi kịch. Bởi như thế, bản án có nghiêm khắc nhưng thiếu đi tình người.

Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng VPLS Trí Việt

 * Thưa Luật sư Trần Việt Hùng, ông có đồng tình với quan điểm của Luật sư Trần Văn Toàn về vấn đề này không?

Luật sư Trần Việt Hùng
Luật sư Trần Việt Hùng

- Tôi không cho rằng đây là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Các tình tiết giảm nhẹ mà pháp luật quy định tại Khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự không có tình tiết này.

Theo Khoản 2 của điều luật này, những tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt do Tòa án lựa chọn nhưng cũng phải đảm bảo yếu tố liên quan đến nhân thân bị cáo hoặc những yếu tố khách quan, chủ quan khác có thể làm giảm tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Hoàn cảnh của gia đình Nguyễn Đức Nghĩa thật sự đáng thương và mọi người đều thông cảm với mẹ của bị cáo này. Đây là vấn đề tình cảm, tình người trong cộng đồng. Nhưng, việc xem xét lại hình phạt là vấn đề pháp lý và việc áp dụng pháp luật phải đảm bảo nghiêm khắc, đúng người, đúng tội. Việc y án đối với Nguyễn Đức Nghĩa nếu có làm cho gia đình bị cáo thêm đau đớn thì đó cũng là điều chúng ta phải chấp nhận vì bản án đó, xét về phương diện pháp luật là hoàn toàn đúng.

 * Theo ý kiến của một số luật sư, nếu gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt thì Nguyễn Đức Nghĩa cũng có cơ hội thoát án tử hình, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đơn xin giảm án của gia đình bị hại (nếu có) cũng không phải là một tình tiết giảm nhẹ theo Điều 46, Bộ luật Hình sự. Nguyễn Đức Nghĩa phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật cho dù bị hại có đòi hỏi hay không đòi hỏi trách nhiệm hình sự. Đối với những tội danh khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì đơn xin miễn tố hay giảm hình phạt mới có ý nghĩa đối với việc xét giảm hình phạt.

Tôi cho rằng, áp dụng pháp luật cần phải khách quan, vô tư và căn cứ vào hành vi tội phạm chứ không nên căn cứ vào ý chí cá nhân hoặc tình cảm cá nhân của bất cứ ai.

Luật sư Nguyễn Văn Tú – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang

 * Thưa Luật sư Nguyễn Văn Tú, trong thực tế giải quyết các vụ án, đã có “tiền lệ” nào như tình huống của vụ án này, vốn  đang được dư luận quan tâm không?

- Tôi được biết thì thực tế chưa có vụ án nào có tình huống eo le này. Thực tế, có những câu chuyện về tử tù là con duy nhất trong gia đình đã đặt ra xung đột quyền lợi cho các nhà làm luật giải quyết. Sự xung đột giữa quyền lợi của một gia đình và sự nghiêm minh của pháp luật đưa thẩm phán vào tình huống chọn “lý” hay “tình” để phán quyết. Nhưng, đó chỉ là những câu chuyện giả định mà thôi. Theo nguyên tắc pháp chế, mọi hành vi vi phạm pháp luật cần phải được xử lý đúng mức độ cho dù là ai, có hoàn cảnh như thế nào.

Luật sư Nguyễn Văn Tú
Luật sư Nguyễn Văn Tú

Đối với các nước phương Tây hay Mỹ thì hình phạt tử hình không còn và họ theo quan điểm “trong lý” hơn “trọng tình”, nên tôi cho rằng họ cũng không đặt ra những tình huống như thế này. Nếu có, họ cũng theo pháp luật mà làm.

Theo quan điểm của tôi, không nên đưa tình huống này để xem xét vấn đề hình phạt của bị cáo vì như thế có thể làm phân tâm người xét xử và làm cho mọi người không quan tâm đến những nội dung chính của vụ án, các căn cứ định khung hình phạt mà chỉ quan tâm đến vấn đề hoàn cảnh gia đình của bị cáo trong khi yếu tố quyết định hình phạt không phải là hoàn cảnh gia đình bị cáo.

 * Xin cảm ơn ông!

Điều 46, Bộ luật Hình sự: Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;

e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;

k) Phạm tội do lạc hậu;

l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

m) Người phạm tội là người già;

n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

o) Người phạm tội tự thú;

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Nhóm PV

Đọc thêm

Có 3 tiền án nhưng vẫn không quên nghề 'đạo chích'

Đối tượng Lại Trung Thành cùng tang vật thu giữ trong vụ án.
(PLVN) - Tại cơ quan điều tra, Lại Trung Thành bước đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bản thân Thành từng có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, tổng thời gian chấp hành án phạt tù là 8 năm 6 tháng.

Thanh Hóa: Tổ chức sử dụng ma túy trong đám cưới

Các đối tượng: Chung, Minh, Ba, Nam (từ phải qua trái)
(PLVN) - Một số đối tượng có biểu hiện tổ chức sử dụng ma túy tại đám cưới của Phùng Văn Chung nên đã triệu tập lên Công an xã làm việc và test nhanh ma túy. Qua test nhanh nước tiểu trong cơ thể của Phùng Văn Chung, Đặng Trọng Minh kết quả đều dương tính với ma túy.

Nghệ An: Khởi tố đối tượng gây ra hơn 10 vụ trộm cắp

Đối tượng Lê Sỹ Đào
(PLVN) - Ngày 24/4, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Yên Thành vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với đối tượng Lê Sỹ Đào (SN 1986, trú tại xóm 7, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn). Đây là đối tượng đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp tài sản.

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.