Thừa Thiên - Huế: Nguy cơ mất an toàn tại bãi tắm tự phát

Nguy cơ đuối nước tiềm ẩn tại các bãi biển tự phát
Nguy cơ đuối nước tiềm ẩn tại các bãi biển tự phát
(PLO) - Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu “giải nhiệt” của người dân tăng cao. Các bãi tắm tự phát trên địa bàn cũng vì thế mà xuất hiện nhiều hơn. Vào các buổi chiều, những bãi tắm tự phát thu hút rất đông người dân đến tắm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. 

Biển Hải Bình (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) là vùng biển đẹp, còn khá hoang sơ, thu hút khách du lịch. Tại đây có hai bãi tắm Lộc Bình và Vinh Hiền đều là những bãi tắm được hình thành từ lâu dưới hình thức tự phát. Hai bãi tắm được phân chia bởi bờ kè bằng đá đã có từ những năm 90. Do ảnh hưởng của bờ kè, dòng chảy bị ngăn lại lâu ngày, sóng đánh gây xoáy và sâu, nhiều chỗ sụt lút nên người bơi dễ bị cuốn ra xa, sụt chân gây đuối nước.

Cả hai bãi tắm chưa có đài quan sát, cờ chỉ giới, bảng báo hiệu vùng hành lang an toàn. Trên bờ không có người quản lý, quan sát để tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý các trường hợp bơi, tắm ngoài khu vực không an toàn, dễ dẫn đến tai nạn đuối nước.Vụ tai nạn xảy ra ngày 26/8 vừa qua là một ví dụ thương tâm. 

Anh Đoàn Văn Chính (người dân xã Lộc Bình) kể lại: Khoảng 2h chiều ngày 26/8, một nhóm 5 em học sinh cùng với một người thầy đến bãi biển Lộc Bình để tổ chức sinh nhật, sau đó nhóm học sinh này xuống biển Lộc Bình tắm nhưng không hiểu sao sau đó lại chuyển sang tắm ở khu vực biển của xã Vinh Hiền, biển ở khu vực đó sâu, nhiều chỗ dễ bị hụt chân, hôm đó sóng lại mạnh, 5 em học sinh bị sóng đánh chìm, tôi và vài người dân trên bờ thấy vậy nên đã ra cứu nhưng chỉ cứu được 3 em, còn hai em bị sóng cuốn ra xa rồi mất tích, sau đó một ngày mới được tìm thấy. 

Ông Lương Thế Vĩnh (Phó UBND xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) thông tin: Trước đây lượng khách đến biển Hải Bình không đông nhưng vài tháng trở lại đây, người dân tìm về vui chơi tắm biển ở đây tăng mạnh. Vùng biển này có nhiều lợi thế để phát triển nhưng hiện nay do địa phương vẫn còn khó khăn về kinh phí nên vẫn chưa thể đầu tư, xây dựng; các điều kiện an toàn cho khách tắm chưa đảm bảo. Hiện tại địa phương đã tổ chức giăng dây phao giới hạn tắm an toàn trên biển và trước mắt yêu cầu các chủ hàng quán mua sắm áo phao, phao cứu hộ để làm dịch vụ cho thuê; quan tâm nhắc nhở khách không bơi ra xa, tránh các khu vực nguy hiểm. 

Hiện nay, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế có gần 10 khu vực bãi tắm, khe suối hoạt động phục vụ du khách chưa được tổ chức quy củ và quản lý chặt chẽ  như bãi tắm Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang), bãi tắm Điền Lộc, Phong Hải (huyện Phong Điền), bãi tắm Bãi Hang, Hàm Rồng (huyện Phú Lộc), bãi tắm ở biển Hải Dương (thị xã Hương Trà)... Việc khai thác dịch vụ ở đây do các hộ dân hoạt động kinh doanh tự phát nên vấn đề đảm bảo an toàn tại các bãi tắm này chưa đảm bảo, tai nạn đuối nước rất dễ xảy ra. Chỉ tính trong mùa hè năm 2018 (từ tháng 5 đến tháng 8), trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra 4 vụ đuối nước làm 3 người tử vong. 

Ông Nguyễn Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý Thể dục Thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh thông tin: Theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì các bãi tắm cần phải đảm bảo các điều kiện cần thiết như xuồng cứu sinh, trên xuồng trang bị các loại áo phao cá nhân, phao tròn; có hệ thống phao tiêu, cờ chỉ giới, bảng báo hiệu vùng hành lang an toàn; có biển hiệu bãi tắm đặt ở vị trí dễ quan sát; có hệ thống biển cảnh báo, biển báo, biển chỉ dẫn các dịch vụ và hệ thống giao thông nội bộ; có trạm quan sát cứu hộ, cứu nạn, loa phát thanh... đảm bảo bao quát toàn bộ bãi tắm; tổ chức các dịch vụ cho thuê áo phao, phao cứu sinh, nước ngọt đảm bảo vệ sinh phục vụ tắm. 

Đọc thêm

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.