Sử dụng dịch vụ thám tử: Coi chừng bị “nếm quả lừa”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Mặc dù không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam nhưng hiện dịch vụ thám tử tư vẫn rất nở rộ vì nhu cầu của người dân khá cao. Tuy nhiên, sau những quảng cáo nghe có vẻ “lợi hại” của nhiều dịch vụ thám tử rất có thể là những cái bẫy móc túi mà người thuê không hay biết.

Những cú lừa “ngọt”

Vì nghi ngờ chồng ngoại tình, chị H., ngụ Vĩnh Cửu, Đồng Nai đã nhờ em gái đang sinh sống ở Sài Gòn thuê giúp một văn phòng thám tử để theo dõi nhằm biết sự thật. Em gái chị H. cũng không biết tìm dịch vụ này ở đâu khác ngoài… trên mạng, nên lọc từ vài chục văn phòng thám tử đăng quảng cáo trên internet để tìm ra một văn phòng “trông có vẻ” yên tâm. Giá dịch vụ dành cho hai thám tử xuống Đồng Nai để thực hiện nhiệm vụ trong vòng 1 tuần là 15 triệu đồng. Kết quả sẽ bao gồm hình ảnh, đoạn ghi âm (nếu có) của người bị theo dõi với những đối tượng nữ đáng nghi.

Tuy nhiên, hết một tuần, hai “thám tử” vẫn chưa đưa ra được bằng cớ xác đáng nào, với lời giải thích là “ông nhà rất cảnh giác, chưa có động tĩnh gì”. Nhờ khéo nói, thám tử tư đã thuyết phục chị H. bỏ thêm 10 triệu đồng để theo dõi cho tuần tiếp theo. Chị H. chỉ biết mình bị hai thám tử “dỏm” lừa khi sáng hôm ấy, chồng chị ra khỏi nhà đi công việc từ sớm, sốt ruột, chị gọi xem thám tử tư đang ở đâu thì nhận câu trả lời: “Sáng nay chồng chị vẫn chưa ra khỏi nhà, tụi tôi vẫn ngồi canh trước nhà chị(!)”.

Trường hợp của vợ chồng chị A. ở Tân Bình còn “nặng” hơn. Nghi ngờ con trai lớn 28 tuổi đang tham gia đường dây cờ bạc cá độ bóng đá nhưng dò hỏi bạn bè của con không được, chị A. và chồng đã tìm một văn phòng thám tử được quảng cáo trên… facebook để nhờ cậy theo dõi con mình. Vì sự việc khá khó và có tính nguy hiểm nên văn phòng nói trên lấy số tiền 40 triệu đồng cho nửa tháng theo dõi, cam kết “bao kết quả chính xác”.

Theo quy định, sau khi kí hợp đồng, khách hàng ứng 50% số tiền. Tiền ứng ra hôm trước, hôm sau hai vợ chồng chị gọi điện đã thấy “thuê bao không liên lạc được”, vài ngày sau vẫn vậy. Sốt ruột, chị A. lên facebook nhắn cho văn phòng nọ thì mới hay mình đã bị chặn. Bức xúc vì bị lừa quá “ngọt”, hai vợ chồng tìm mọi cách liên lạc và đăng thông tin lên trang facebook văn phòng thám tử nhưng cũng vô ích vì đăng đến đâu là bị xóa đến đó…

Phạm luật, vẫn nở rộ 

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị “ăn quả lừa” bởi những dịch vụ thám tử nhan nhản hiện nay. Hiện, pháp luật Việt Nam vẫn chưa cho phép dịch vụ thám tử được hoạt động, thế nhưng trên mạng, các dịch vụ tự xưng “công ty thám tử tư”, “dịch vụ thám tử điều tra” vẫn tràn lan. Bên nào cũng đưa ra những quảng cáo và cam kết rất hấp hẫn, như “bảo đảm có kết quả”, “kín đến đâu cũng lần ra”… Cạnh đó là nhiều câu chuyện lâm li nhằm minh chứng cho khả năng của mình và lợi ích của dịch vụ thám tử tư.

Mức giá dịch vụ của các văn phòng thám tử này là khá cao, trung bình từ 15 đến 20 triệu đồng/tuần cho các dịch vụ liên quan đến ngoại tình, chuyện gia đình. Một số dịch vụ khác như theo dõi công ty, theo dõi con nợ có thể lên đến 30 triệu đồng/tuần. Chi phí được liệt kê bao gồm tiền xăng xe, lưu trú… Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là dịch vụ thám tử tư dựa trên đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn nào để có khả năng hành nghề và lấy mức phí “trên trời” như thế?

Liên hệ Văn phòng thám tử T.L. ở quận Tân Phú (TP HCM) với lý do muốn theo dõi ngoại tình, người viết nhận được sự nhiệt tình tư vấn của nhân viên văn phòng. Mức phí đứa ra là 10 triệu đồng/tuần cho dịch vụ theo dõi, cung cấp thông tin và hình ảnh. 15 triệu đồng/ tuần cho hình ảnh, thông tin và file ghi âm. 20 triệu đồng cho các dịch vụ trên kèm trích xuất… danh sách cuộc gọi trong tuần. Ngoài ra, nếu theo dõi và hộ tống đánh ghen thì phí phát sinh là 10 triệu đồng. Khi được hỏi, thám tử điều tra có chứng chỉ nghiệp vụ gì để chứng minh sự chuyên nghiệp không thì nhân viên tư vấn không trả lời, chỉ nói chung chung “bên em có nghiệp vụ điều tra vì các anh ở đây từ công an ra (!)”.    

Thực tế, pháp luật Việt Nam chưa cho phép các dịch vụ điều tra bí mật vì xâm phạm đến đời tư cá nhân. Vì vậy, những hoạt động hành nghề của thám tử hiện đang thực hiện như theo dõi, ghi âm, nghiêm trọng hơn là cung cấp danh sách cuộc gọi (từ nguồn nào?) là hành vi vi phạm pháp luật. Cạnh đó, người thuê cũng có nguy cơ phạm pháp khi thuê mướn, sử dụng nhưng thông tin từ các dịch vụ thám tử như trên. Đặc biệt, trường hợp ra tòa, các bằng chứng do dịch vụ thám tử tư cung cấp cũng sẽ không có hiệu lực. Đó là còn chưa nói đến những hệ lụy về mặt tâm lý, về rạn nứt niềm tin và tình cảm gia đình khi mọi việc được đẩy đi quá xa thay vì tự giải quyết với nhau…

Tin cùng chuyên mục

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.

Đọc thêm

EVN cảnh báo tình trạng giả mạo trang web

Trang web giả mạo EVN.
(PLVN) - Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, gần đây trên mạng internet tiếp tục xuất hiện trang web giả mạo thương hiệu, nhãn hiệu EVN có địa chỉ tietkiemdienxanh.com.