Giới nhà giàu săn lùng “đá trời” – “miếng mồi” cho những siêu lừa

Hoba khối thiên thạch lớn nhất thế giới nằm ở Namibia
Hoba khối thiên thạch lớn nhất thế giới nằm ở Namibia
(PLVN) - Độc, quý hiếm là những đặc tính khiến cho thiên thạch lâu nay trở thành những món đồ thu hút sự quan tâm của giới có tiền. Tuy nhiên, cũng chính vì hiếm, vì tính “độc nhất vô nhị” của những thiên thạch mà việc xác minh tính thật – giả của chúng trở nên khó khăn. Nhiều vụ lừa đảo bán thiên thạch đã được ghi nhận trong thời gian qua.

“Mốt” của nhà giàu?

Trong nhiều năm nay, siêu xe, nhà đẹp hay túi hàng hiệu không còn phải là những thứ được giới nhà giàu Trung Quốc phô ra để thể hiện đẳng cấp mà việc sở hữu những mảnh thiên thạch hay gọi nôm na là “đá trời” mới là thứ khiến họ thích thú mang ra khoe. 

“Xe có thể sản xuất được nhưng thiên thạch thì chỉ có một. Những giám đốc công ty đều thích những viên đá to”, Tong Xianping – một doanh nhân kiêm nhà sưu tập thiên thạch có tiếng ở Trung Quốc lý giải. 

Với quan niệm như vậy, Tong và nhiều người khác không ngại ngần “xuống tay” hàng trăm nghìn USD để mua những mảnh vỡ từ các thiên thạch. “Tôi thấy mức giá như vậy là xứng đáng vì những mảnh thiên thạch đó mang tin tức từ vũ trụ tới”, ông này nói thêm.

Năm 2016, nhà đấu giá Christie mở bán bộ sưu tập thiên thạch, trong đó có mảnh được định giá lên tới 1 triệu USD. 

Mỗi năm, các nhà khoa học tại Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Canada, nhận được hàng chục yêu cầu từ người dân muốn xác định xem hòn đá họ tìm thấy có phải thiên thạch hay không. 

Việc sở hữu một vật thể ngoài Trái Đất là khao khát của nhiều người và những viên "đá trời" cũng luôn gây tò mò khi được cho là có thể chữa bệnh hay có lợi ích phong thủy. Chính vì thế, không ít người bị lừa mua về những hòn đá bình thường mà tưởng là thiên thạch.

Cơn sốt thiên thạch của người mua Trung Quốc trong nhiều năm liền đã đẩy giá thiên thạch ở nước này lên khá cao. Cùng với đó, ở một đất nước mà việc sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi như ở Trung Quốc, thiên thạch giả cũng trở thành một mối lo ngại đáng kể. 

“Nhiều người chỉ quan tâm những mảnh đá đó đáng bao nhiêu tiền và không mấy hiểu biết về đặc tính khoa học của chúng. Việc này có thể khiến số lượng thiên thạch giả gia tăng”, ông Bryan Lee – một chuyên gia về thẩm định các mẫu vật tại triển lãm thiên thạch lớn nhất thế giới ở Tuscon, Mỹ - nhận định.

Ông Eric Twelker – một nhà nghiên cứu về thiên thạch – thậm chí khẳng định rằng những mẫu thiên thạch được công bố ở Trung Quốc thường là hàng giả hoặc bị nhầm là thiên thạch. “Tôi rất e ngại những đồ có xuất xứ Trung Quốc”, ông này nói. 

Trang web của Hiệp hội các nhà sưu tập thiên thạch cũng cho hay, vào năm 2002, việc eBay xâm nhập thị trường đấu giá online của Trung Quốc đã đưa đến sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động buôn bán ở nước này. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về nguồn gốc, tính xác thực của hàng hóa, trong đó có cả những người bán “thiên thạch”. 

Chỉ 3 năm sau khi eBay vào Trung Quốc, hàng chục nhà buôn đăng ký kinh doanh trên trang web này đã được xác định là những kẻ lừa đảo, bán “thiên thạch” giả. 

Sự phổ biến của những kẻ lừa đảo này khiến Hiệp hội các nhà sưu tập thiên thạch đặt hẳn cái tên “hội chứng Trung Quốc” khi nói về những vụ lừa bán thiên thạch. Giới chức Trung Quốc cũng đã tìm cách cấm bán thiên thạch nhằm ngăn những vụ lừa đảo xảy ra.

Cú lừa của “người đàn ông thiên thạch”

Song, không chỉ ở Trung Quốc mới có hiện tượng lừa bán thiên thạch. Vì là những vật vô cùng hiếm, ít người có cơ hội được tiếp xúc nên việc xác định đâu là thiên thạch thật – giả bằng mắt thường trở nên khó khăn. Đây cũng chính là một phần lý do khiến nhiều người bị rơi vào những vụ lừa bán thiên thạch. 

Năm 2012, Steve Curry – một người đàn ông sống tại thành phố Montrose, bang Colorado của Mỹ luôn tự xưng mình là một “người đàn ông thiên thạch” – cũng đã bị tố bán thiên thạch giả qua trang eBay. 

Theo văn phòng công tố viên Colorado, Curry đã đăng bán một mẩu “thiên thạch mặt trăng” trên trang web trên với giá 512.000 USD. Có điều, kết quả xét nghiệm hóa học với các mẫu “thiên thạch” mà Curry rao bán do Trung tâm khoa học và thiên văn Fiske và Trường Mỏ Colorado cho thấy các mẫu vật này có thép carbon nhân tạo, chứng tỏ chúng không phải là thiên thạch thật. 

Mặc dù người này lớn tiếng tuyên bố sẽ kiện những người nghi ngờ về tính xác thực của những mảnh thiên thạch mà ông ta rao bán đồng thời dọa kiện eBay đòi bồi thường 12 tỉ USD vì công ty này đã gỡ mẩu tin đăng bán hàng của ông ta nhưng Curry sau đó đã bị kết án 1 năm tù vì hành vi rao bán thiên thạch rởm.

Cơ quan công tố Mỹ cũng phanh phui ra việc Công ty của Curry là Uncompahgre Meteorites đã bán một số mảnh thiên thạch và sau đó phân phối lợi nhuận thu được thông qua tổ chức từ thiện The Osirius Foundation của ông ta để được hưởng miễn trừ thuế.

Không chỉ vậy, những mảnh “thiên thạch” mà người này đã hiến tặng cho Hội lịch sử hạt Montrose cũng bị “soi” sau khi nghi án bán đồ dởm bị phanh phui. Theo tuyên bố của Curry, tổng giá trị của 5 mảnh “thiên thạch” mà ông ta đã hiến tặng có giá trị lên đến 59 triệu USD. 

Thông thường, những người đi tìm thiên thạch phải dựa vào nhà khoa học để xác định tính thật giả cũng như định giá các mẫu vật.

Song, theo Hiệp hội các nhà sưu tập thiên thạch quốc tế cho biết, vì việc phân tích thạch học và khoáng vật học không phải lúc nào cũng dễ thực hiện với tất cả mọi người nên nhiều khi phải rất lâu sau khi giao dịch mua bán diễn ra, tính thật – giả của các “thiên thạch” được mua bán mới được mang ra xác định. Đây chính là kẽ hở để những kẻ vô đạo đức lợi dụng để làm giả thiên thạch hòng trục lợi, nhất là với những thiên thạch được mua đi bán lại nhiều lần. 

Điển hình cho trường hợp trên có thể kể đến là vụ rao bán các thiên thạch từ mặt trăng Dhofar 025 trên trang eBay. Theo ông Norbert Classen – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sưu tập thiên thạch quốc tế, ông và Tiến sỹ Juergen Otto – một chuyên gia về thiên thạch – đã tiến hành phân tích mẫu “đá mặt trăng” mà tài khoản tên “floridacoaster” rao bán trên eBay với 2 mẫu đá cùng loại có giấy chứng nhận do 2 thành viên của Hiệp hội các nhà sưu tập thiên thạch quốc tế cung cấp. 

Kết quả phân tích cho thấy mẫu đá do floridacoaster bán thực chất chỉ là đá núi lửa. Việc so sánh cũng cho thấy mẩu đá được bán trên mạng so với các mẫu Dhofar 025 thật chỉ tương đồng nhau về bề ngoài nhưng khá khác nhau về màu sắc.

Kết quả phân tích thêm thì thể hiện rõ floridacoaster đã cố tình lừa đảo bằng cách sử dụng mỏ hàn hàn lên đá để tạo ra một lớp hợp chất nhưng không hề hay biết rằng mẫu đá Dhofar 025 thật không hề có lớp hợp chất này.

Cuối cùng, tất cả các giấy tờ chứng thực mà người bán mẩu thiên thạch này gửi kèm theo sau đó đều được xác định đã bị làm giả. Theo ông Norbert Classen, hiện, trong tay của các nhà sưu tập vẫn đang có nhiều mẫu đá mặt trăng giả mà người mua không biết.

Vì vậy, Hiệp hội trên khuyến khích mọi người giữ kỹ các thông tin về giao dịch mua bán cũng như theo dõi chặt các hoạt động đấu giá, bán thiên thạch của những người khác nhằm kịp thời phát hiện những hành vi gian lận có thể xảy ra như thông tin sai lệch, tráo đổi hàng hóa… 

Cách nhận biết thiên thạch thật – giả

Theo Công ty trang sức Johan có tiếng của Mỹ, với công nghệ hiện nay, nhiều hãng trang sức đã có thể chế tác thành công, đưa những mảnh thiên thạch quý hiếm vào các món đồ thời trang nhằm tăng giá trị của chúng lên.

Nhẫn có gia công thiên thạch thật (bên trái) và giả (bên phải)
Nhẫn có gia công thiên thạch thật (bên trái) và giả (bên phải)

Để nhận biết đâu là thiên  thạch thật có thể căn cứ vào những dấu hiệu sau:

- Giấy chứng nhận thiên thạch thật: Thông thường, những hãng sản xuất đồ trang sức chế tác khá hạn chế những sản phẩm có gắn thiên thạch và những phần thiên thạch này thường có nguồn gốc rõ ràng. Với Johan, công ty này cho biết thiên thạch để chế tác trang sức của họ được lấy từ mảnh thiên thạch Gibeon và Seymchan. Tất cả những sản phẩm có chứa các mảnh thiên thạch của công ty này đều được gửi kèm giấy chứng nhận hàng thật để người tiêu dùng có thể yên tâm về nguồn gốc của nó.

- Thiên thạch thật có từ tính: Một cách nhanh chóng khác để xác định xem một “mảnh thiên thạch” có thực sự là thiên thạch hay không là kiểm tra với nam châm. Theo trang web của Johan, vì khoảng 99% thiên thạch có từ tính nên thiên thạch thật sẽ bị nam châm hút. Nếu món trang sức được quảng cáo là có gắn thiên thạch nhưng không bị hút vào nam châm, nhiều khả năng đó không phải là thiên thạch thật.

- Thiên thạch thật có thể bị gỉ: Vì thiên thạch là vật chất có thể là sắt nên nó có thể bị gỉ. Theo Johan, nếu may mắn, trang sức có chứa thiên thạch sẽ không bị gỉ nhưng phần lớn các thiên thạch thật có xu hướng bị gỉ sét theo thời gian. 

- Tiếp xúc với axit mạnh có thể khiến thiên thạch thật bị hư hại: Thiên thạch không thể chịu được các axit mạnh, trong đó có axit hydrochloric, axit nitric hay axit sulfuric. Vì thế nên những mảnh thiên thạch trong trang sức không hề bị hư hại khi vô tình bị tiếp xúc với axit mạnh gần như chắc chắn là “hàng dỏm”.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.