Hôm nay 1/3/2016: Bắt đầu điều chỉnh viện phí

Hầu hết người dân đều lo lắng với lần tăng viện phí này
Hầu hết người dân đều lo lắng với lần tăng viện phí này
(PLO) - Từ hôm nay (1/3), viện phí sẽ chính thức được điều chỉnh. Thông tin này khiến rất nhiều người dân lo lắng, hoang mang. Tuy nhiên, theo đại diện bộ chủ quản, việc điều chỉnh giá viện phí là một chủ trương đúng đắn, và người được hưởng lợi về lâu dài chính là người dân.

Ngành Y tế khẳng định tăng giá viện phí không ảnh hưởng đến người bệnh…

Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Liên Bộ Y tế - Tài chính, từ ngày 1/3/2016 mức giá thực hiện, gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay. Từ ngày 1/7, khi tính tiền lương vào thì giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay.

Theo Bộ Y tế, việc Liên Bộ ban hành Thông tư quy định mức giá gồm chi phí trực tiếp và tiền lương là một đòi hỏi thực tế, khách quan, theo lộ trình từng bước tính đủ chi phí trong giá dịch vụ công theo đúng chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Đặc biệt, việc tăng giá này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ mà chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Bộ Y tế cũng cho hay, Thông tư này trước mắt chỉ áp dụng đối với thanh toán BHYT nên đối với người không có thẻ BHYT (khoảng 25% dân số) trước mắt áp dụng mức giá hiện nay đang thực hiện nên không bị ảnh hưởng. Khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT cũng sẽ không bị ảnh hưởng khi viện phí tăng.

Mức độ ảnh hưởng đối với đối tượng người cận nghèo cũng không đáng kể, vì họ đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT. Khi đi khám, chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%).

Đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì trước đây khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm.

Đối với người dân chưa tham gia BHYT thì chi phí dịch vụ khám chữa bệnh sẽ thấp hơn so với người bệnh có thẻ BHYT, do họ vẫn được thanh toán theo mức giá cũ (chưa bao gồm chi phí tiền lương và phụ cấp).

Bộ Y tế cho rằng, nếu thực hiện tăng ngay phí khám chữa bệnh với người chưa có thẻ BHYT sẽ gây gánh nặng lớn cho họ khi ốm đau, đồng thời cũng dành thời gian để vận động họ mua thẻ BHYT – theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế. 

Nhưng người bệnh vẫn lo

Tinh thần, chủ trương là như vậy nhưng dạo quanh một lượt các bệnh viện, hầu hết người dân đều không tránh khỏi lo lắng khi biết đến chính sách này. Với khuôn mặt đầy căng thẳng, bà Nguyễn Thị Cải (62 tuổi, quê Lai Châu) buồn rầu chia sẻ, bà vừa bắt xe từ Lai Châu xuống Hà Nội khám bệnh, cả tiền khám, xét nghiệm lẫn tiền thuốc hết gần chục triệu đồng, bằng cả nương lúa của nhà nông. “Nay viện phí mà lại tăng lên nữa thì chúng tôi chỉ có nước bán nhà đi mà chữa bệnh…” – bà Cải thở than. 

Ngao ngán, lo âu là tâm lý chung của người bệnh và gia đình trước chủ trương tăng viện phí. Trái với tâm trạng của người bệnh, việc điều chỉnh giá viện phí khiến đại đa số nhân lực ngành Y khấp khởi mừng thầm.

Bởi theo phân tích của lãnh đạo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá viện phí sẽ dẫn tới chất lượng hoạt động khám chữa bệnh được nâng cao hơn do có thêm chi phí để tái đầu tư; bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên y tế để thu hút người khám chữa bệnh, đặc biệt là việc chi tiền lương cho đội ngũ này. 

Trên quan điểm vĩ mô, bác sỹ Nguyễn Văn Thành, Tổng công ty Đông Bắc cho rằng, việc xóa bỏ trợ cấp ngân sách sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách, khiến cho ngân sách hiệu quả hơn khi tập trung cho các lĩnh vực khác, đặc biệt là tăng hiệu quả chi ngân sách cho đầu tư phát triển. Việc mở cửa thị trường y tế cũng sẽ làm gia tăng nguồn lực cho thị trường này, kích thích các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia thị trường y tế và chăm sóc sức khỏe.

“Chắc chắn rằng khi được tiếp nhận nhiều nguồn lực hơn thì nền y tế sẽ phát triển hơn và qua đó người dân có điều kiện được cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe. Còn đối với người nghèo, sự gia tăng giá dịch vụ y tế trước mắt có thể là gánh nặng, nhưng Nhà nước sẽ phải can thiệp thông qua chính sách BHYT, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực y tế… để tạo nên một hệ thống lưới an sinh xã hội…” – bác sỹ Thành khẳng định./.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.