Cảnh báo thời điểm cúm mùa gia tăng

Số lượng trẻ khám, điều trị bệnh liên quan đến cúm mùa gia tăng nhiều hơn trong vài tuần gần đây
Số lượng trẻ khám, điều trị bệnh liên quan đến cúm mùa gia tăng nhiều hơn trong vài tuần gần đây
(PLO) - Theo chuyên gia, thời tiết đông xuân độ ẩm cao, ít ánh sáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển và có tốc độ lây lan rất nhanh chóng. Do vậy, số bệnh nhi mắc bệnh cúm tăng hơn so với các mùa khác trong năm. Năm nay, trẻ chủ yếu mắc bệnh cúm A, cúm B và phải nhập viện do có sốt cao co giật, kèm một số bệnh nhiễm trùng khác như viêm phổi,...

Bệnh cúm vào mùa, cả người lớn và trẻ em đều nhập viện

Theo Cục Y tế dự phòng, cúm mùa là căn bệnh lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 - 500 nghìn người tử vong.

Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 - 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân. Đáng lưu ý, khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ trong 2 tuần qua, khi thời tiết thay đổi từ rét đậm 9-10 độ C, rồi nhiệt độ nhích dần lên nhưng lúc lại ẩm thấp, lúc hanh khô, đã khiến hàng trăm trẻ đến khám vì các triệu chứng cúm. Trong đó, các bác sĩ phát hiện hơn 300 bệnh nhi mắc cúm, gần 100 cháu đã phải nhập viện điều trị. Hầu hết các trẻ nhập viện điều trị nội trú đều có triệu chứng sốt cao, không đáp ứng với uống thuốc giảm sốt, thậm chí bị co giật, viêm mũi, đau họng, mệt lả kèm theo các bệnh lý khác. 

Không chỉ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tại các bệnh viện khác như Xanh Pôn, Bệnh viện Đống Đa, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai)… cũng có nhiều trẻ mắc cúm A, cúm B đến khám và điều trị. Nhiều trẻ khi gia đình đưa đến muộn gây những biến chứng nguy hiểm.

Vừa dỗ con khóc, chị Nguyễn Thị Ngân (Hà Đông) vừa cho biết: ban đầu bé chỉ sốt, gia đình vẫn cho rằng bé bị sốt viêm họng thông thường, nhưng tình trạng bé nặng hơn khi ho nhiều hơn, nước mũi chảy nhiều hơn. Sau đó chị có mua thuốc hạ sốt cho cháu uống tại hiệu thuốc gần nhà nhưng uống hai ngày cháu vẫn không cắt được cơn sốt, vẫn sốt cao miên man, ngủ li bì, có lúc còn xảy ra tình trạng lơ mơ, co giật. Ngay lập tức, chị đưa con đến viện, các bác sĩ tiến hành lấy máu xét nghiệm và phát hiện bé bị mắc bệnh cúm. 

Còn chị Nguyễn Minh Hiền (Ba Đình – Hà Nội) chia sẻ: “Cả nhà tôi có 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 cháu nhỏ, đều ốm cả. Ban đầu, cô con gái 6 tuổi đi học chắc lây từ các bạn ở lớp, bởi cháu kể lớp cháu rất nhiều bạn bị ốm. Vài ngày sau đó, cứ vậy cả nhà tôi cùng ốm hết. Nay đưa cô con gái 11 tháng tuổi đi khám, làm test cúm, kết quả cháu dương tính với cúm A kèm viêm phế quản. Có khi bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện để điều trị bệnh cho cháu”. 

Cúm mùa có thể tự khỏi nếu biết cách chăm sóc đúng

Trước thông tin số ca bệnh cúm mùa nhập viện nhi ngày một tăng, một số ý kiến cho rằng có sự bất thường.Ths.BS Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc gia tăng các các bệnh cúm vào thời điểm đông xuân không phải là sự bất thường mà hoàn toàn phù hợp với dịch tễ học. Lý giải sự gia tăng ấy, Ths.BS Hải chỉ rõ, thời tiết đông xuân độ ẩm cao, ít ánh sáng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Cùng với đó là tốc độ lây lan rất nhanh của virus cúm. Do vậy, số bệnh nhi mắc bệnh cúm tăng hơn so với các mùa khác và tăng so với năm trước.

Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương): Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai.

Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39-40 độ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như: chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản.

Thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol). Ngoài ra, cha mẹ chú ý vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác. Trong trường hợp trẻ nằm viện, người nhà nên hạn chế các tiếp xúc không cần thiết như quá nhiều người thăm nom có thể mang mầm bệnh khác đến cho trẻ và mang vi rút cúm ra cộng đồng.

Tuy nhiên, với trẻ có nền bệnh hen phế quản, phế quản co thắt kích thích cơn co thắt gây khó thở rất nhanh, viêm phổi, bệnh lý suy giảm miễn dịch, hội chứng thận hư, suy thận, ung thư hay trẻ suy dinh dưỡng nặng… nếu trẻ mắc thêm virus cúm thì nhất thiết phải cho trẻ nhập viện để kịp thời theo dõi, điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc. 

“Trẻ bị mắc cúm, hệ miễn dịch sẽ bị giảm. Do không đáp ứng thuốc nên trẻ có triệu chứng sốt cao, chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, họng đỏ. Nếu không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bội nhiễm dẫn tới các biến chứng viêm do vi khuẩn khác, sốt cao, co giật, viêm phổi... Biến chứng nặng nhất của cúm mùa là viêm phế quản, viêm phổi,...”,  Ths.BS Hải cho hay.  

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.