Bệnh sởi diễn biến xấu ở Hà Nội: Có phần nguyên nhân từ cha mẹ?

Nhiều trẻ nhỏ đến khám và điều trị sởi tại Bệnh viện
Nhiều trẻ nhỏ đến khám và điều trị sởi tại Bệnh viện
(PLO) -Hai tháng trở lại đây, số lượng trẻ mắc sởi tại Hà Nội liên tục tăng, trong đó có trẻ bị biến chứng viêm phổi nặng. Trong số trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, hầu hết đều trong nhóm đối tượng dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao do chưa được tiêm phòng.

Gia tăng số ca mắc

Tại Hội nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân khu vực phía Bắc 2017-2018 diễn ra mới đây, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 230 ca sởi. Bệnh nhân tập trung ở các tỉnh phía Bắc (100 ca), trong đó nhiều nhất tại Hà Nội (45 bệnh nhi), sau đó là Hải Dương (17 ca), Nghệ An (8 trường hợp)…

Rải rác từ đầu năm đến nay Bệnh viện Nhi Trung ương đều có bệnh nhi mắc sởi đến khám và điều trị. Nhưng 2 tháng gần đây, con số này tăng khá mạnh, trung bình có trên 20 bệnh nhi mắc sởi đến viện khám, điều trị. Các bé tới viện hầu hết đều có tình trạng sốt cao, phát ban. Nhóm tuổi nhập viện cao nhất là những bé dưới 9 tháng tuổi do nhóm tuổi này chưa được tiêm phòng.

Trên độ tuổi này, vẫn còn khoảng 2-3% chưa được tiêm phòng sởi nên chưa có kháng thể bảo vệ. Đặc biệt rất nhiều trong số đó có sốt kèm theo viêm phổi nặng, có tổn thương ban đỏ toàn thân, biểu hiện tổn thương viêm kết mạc. Nhiều cháu vào viện đã suy hô hấp nặng, phải thở máy.

Dù đã gần 2 tuổi nhưng bé M chưa được tiêm phòng vacxin sởi, mẹ bé cho biết, gia đình chưa cho con tiêm phòng vì chẳng ai nhớ con cần phải tiêm sởi. Thêm nữa, do cháu nhỏ sức đề kháng yếu hay đau ốm, hễ cứ mỗi lần định đi tiêm thì cháu lại ốm nên đến giờ cháu vẫn chưa được tiêm.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết các ca nhập viện Nhi Trung ương do sởi đều dưới một tuổi, trong đó, trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi có tỷ lệ khá cao, tới trên 40%. Liên quan đến việc rất nhiều trẻ mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm phòng vacxin sởi, Bệnh viện đã có đề xuất với Bộ Y tế (Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng) xem xét lại, cho phép tiêm bổ sung cho các phụ nữ ở tuổi mang thai và bổ sung tiêm vét vacxin sởi cho toàn thể cộng đồng nhằm mục tiêu nâng cao kháng thể chống sởi ở nhóm đối tượng những bà mẹ mang thai và tuổi sinh đẻ, trong cộng đồng.

Cùng với đó, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch sởi, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng trên toàn thành phố giám sát chặt chẽ diễn biến dịch sởi, kịp thời triển khai xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch lan rộng. Các Trung tâm y tế cũng tổ chức rà soát đối tượng tiêm vacxin sởi để không bỏ sót đối tượng, có kế hoạch bố trí đủ vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vacxin phòng bệnh sởi để cấp cho các đơn vị. Ngoài ra, các Trung tâm y tế của quận, huyện xã có nhiệm vụ rà soát tất cả các trẻ trong diện tuổi tiêm chủng mở rộng, đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ vacxin phòng bệnh sởi theo đúng quy định. 

Bố mẹ không nên kiêng thái quá

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ với các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ, sổ mũi, chảy nước mũi. Cũng có nhiều trường hợp người lớn mắc sởi, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Theo các bác sĩ, trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng. Do đó, khi con trẻ chẳng may bị sởi, cha mẹ cần chú ý để phát hiện sớm biến chứng viêm phổi ở trẻ. Ngoài ra, biến chứng viêm não do bị sởi cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Hiện nay, điều đáng lo lắng nhất khi thấy trẻ bị sởi hoặc nghi bị sởi, không ít các ông bố, bà mẹ có những quan niệm sai lầm trong chăm sóc con. Khi thấy con mắc sởi liền kiêng hoàn toàn việc tắm rửa cho con, khiến trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu, gãi xước các vết ban, gây nhiễm trùng. Nhiều người còn giữ kín, ủ ấm quá mức cho trẻ khiến cho trẻ không thể hạ sốt, có thể dẫn tới sốt cao, co giật và dễ gây biến chứng.

Việc kiêng tắm rửa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da và dẫn đến biến chứng viêm phổi. Hơn nữa, một số người còn cho rằng, khi bị sởi thì cần kiêng ăn uống, tuy nhiên, theo các bác sĩ, trong thời điểm mắc bệnh, người bệnh càng cần được bổ sung dinh dưỡng vì nếu kiêng ăn uống có thể dẫn tới suy dinh dưỡng và gặp các biến chứng do bệnh gây ra. 

Nói về câu chuyện quan niệm sai khi chăm trẻ bị sởi, chị Nguyễn Thị Thảo (Nam Định) cho biết, con chị bị sởi cách đây một tuần, theo lời mẹ chồng, chị kiêng hoàn toàn nước và gió cho con bằng cách giữ con trong phòng kín suốt 24h. Đứa trẻ sốt cao, đến lúc được hạ sốt thì mồ hôi ra nhiều, ngứa ngáy nên gãi trợt hết các vết ban. Cho tới khi con bị sốt cao liên tục vài ngày, khó thở, chị mới vội vàng đưa con đến bệnh viện.

Do đó, theo các bác sĩ, việc chăm sóc trẻ khi mắc bệnh sởi là vô cùng quan trọng. Bệnh nhi khi bị bệnh phải cách ly, tránh ra đường vì dễ bội nhiễm vết thương hoặc lây lan cho người khác. Tuy nhiên, phòng ở của trẻ phải mở cửa sổ cho thông thoáng, tuyệt đối không kiêng tắm đối với trẻ, sẽ làm nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng da tăng cao, phải thường xuyên vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.