Báo động: Rượu thủ công có hàm lượng methanol vượt ngưỡng nhiều lần

Đoàn kiểm tra lấy mẫu rượu để tiến hành test hàm lượng methanol tại một nhà hàng ở Đặng Tiến Đông, Thanh Liệt, Hà Nội
Đoàn kiểm tra lấy mẫu rượu để tiến hành test hàm lượng methanol tại một nhà hàng ở Đặng Tiến Đông, Thanh Liệt, Hà Nội
(PLO) -Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị ngộ độc do rượu tự nấu, tự ngâm gia tăng. Đáng lo ngại, những loại rượu trôi nổi, chưa được kiểm định này vẫn tràn lan ở thị trường với “mác” rượu quê, rượu dân tộc…
 

 

Hiểm họa khôn lường

Cuộc tổng kiểm tra đột xuất tại 225 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất rượu trên địa bàn TP Hà Nội trong tháng 3 cho thấy: Có 14/25 mẫu xét nghiệm tại labo có hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) vượt ngưỡng cho phép nhiều lần; 1/3 mẫu rượu xét nghiệm nhanh trên xe kiểm nghiệm thực phẩm chuyên dụng có kết quả dương tính với nồng độ methanol.

Đáng chú ý, kết quả kiểm tra tại địa bàn quận Thanh Xuân và Hà Đông, cơ quan chức năng đã phát hiện mẫu rượu trắng pha cồn của cơ sở cơm Vĩnh Thành (địa chỉ tại số 95 khu giãn dân, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) có hàm lượng methanol 202.475mg/l, vượt 2.000 lần; rượu ngâm của gia đình ông Nguyễn Đình Chính (số 59 tổ 24 phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) có hàm lượng methanol là 89.680mg/l, vượt gần 900 lần.

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội, từ ngày 26/2 - 14/3, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 25 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 2 trường hợp tử vong và 1 bệnh nhân nam 58 tuổi được gia đình xin đưa về do hôn mê sâu, chảy máu não.

Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 7 sinh viên ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) phải nhập viện vì ngộ độc rượu chứa methanol được mua tại cửa hàng tạp hóa ngõ 259, phố Yên Hòa, Hà Nội. Trong nhóm sinh viên bị ngộ độc, có 4 người chịu di chứng ảnh hưởng thị lực, 3 người có dấu hiện tổn thương não.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Kim Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ông từng điều trị cho một bệnh nhân tên Lưu Xuân Linh (ở Long Biên, Hà Nội) bị mù mắt là do uống quá nhiều rượu có cồn công nghiệp (methanol) trong thời gian liên tiếp, dẫn đến trụy mạch, mù mắt và liệt não.

“Methanol là chất cực độc, dùng để chế phẩm sơn, gỗ. Uống rượu có chứa methanol rất nguy hiểm, nhẹ thì giảm thị lực, mù mắt, nặng thì mau chóng tử vong. Ngay cả bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch cũng để lại di chứng nặng nề. Hiện, trên thị trường có bán các viên rượu cồn rất nhỏ, không rõ nguồn gốc, có thể pha với 3-4 lít nước là thành rượu”, TS Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Cũng theo TS Sơn, người nấu rượu thủ công thường sử dụng men của Trung Quốc (thường gọi là “men Tàu”), có tác dụng lên men rất nhanh. Công đoạn nấu không đảm bảo, dụng cụ nấu rất bẩn, mất vệ sinh, pha trộn nhiều cồn công nghiệp, không khử aldehyt, đôi khi trong công thức nấu rượu, người ta còn cho thêm cả phân urê vào để cho rượu được trong nổi tăm, dẫn đến ngộ độc urê.

“Qua thăm hỏi bệnh sử, còn có một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống, sử dụng rượu ngâm một cách tùy tiện. Thậm chí, có bệnh nhân đã cao tuổi, nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch vì uống rượu ngâm mật cá trắm vì nghe nói uống rượu ngâm mật cá trắm bổ nên uống thử. Nhiều người lầm tưởng uống rượu mật cá trắm để bồi bổ, trị đau lưng nhưng thực tế mật cá trắm vào cơ thể có thể gây viêm gan, suy gan, suy thận”, TS Sơn chia sẻ.

Quy trình nấu rượu quê còn nhiều bất cập
Quy trình nấu rượu quê còn nhiều bất cập

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng từng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Trung K, ở Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội bị sốc phản vệ do uống rượu ngâm với ong. Sau khi bệnh nhân uống 10ml rượu thì xuất hiện ngứa, sưng nề môi kèm đau bụng, nôn mửa, gia đình vội đưa đến bệnh viện. Rất may bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nên đã trở lại tình trạng ổn định.

“Một số nhà hàng “đặc sản rượu dân tộc” đua nhau quảng cáo với khách về hàng chục loại rượu thuốc, rượu ngâm thảo dược, ngâm động vật... Người dân có thể “tiền mất tật mang” với những loại rượu này. Vì hiện nay dược liệu giả dùng ngâm rượu bán tràn lan, ngay cả dùng dược liệu thật cũng không đảm bảo vì cây cỏ hiện nay cũng nhiễm độc nhiều”, TS Sơn cảnh báo.

Bên cạnh đó, nhiều người bán rượu do không có chuyên môn nên đem ngâm cả các loại thuốc “công” nhau, hay không tuân thủ các quy trình ngâm, gây ra những tác hại khôn lường. Đó là chưa kể chất lượng của các vị thuốc, các loại cây, con đem ngâm và cả chất lượng rượu cũng khó kiểm soát được...

Tràn lan rượu chưa kiểm định

Hiệp hội bia rượu, nước giải khát cho biết, 95,7% người sử dụng rượu thường uống rượu tự nấu và hơn 90% người thích uống rượu tự nấu vì giá rẻ, hợp khẩu vị. Rượu tự nấu hiện chiếm tới 90% lượng rượu tiêu thụ trong nước, tương đương 250 triệu lít/năm và con số này tăng 8%-10%/ năm. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu thụ của loại rượu này thiếu chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng.

Mặc dù Nghị định 94/CP (quy định về sản xuất, kinh doanh rượu) đã quy định đầy đủ để quản lý rượu thủ công, nhưng thực tế, tình trạng buôn bán rượu tự ngâm, tự nấu, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra tràn lan.

Theo khảo sát của phóng viên, những loại rượu này được bày bán từ chợ cóc, quán vỉa hè cho đến các cửa hàng tạp hóa, các nhà hàng, quán cơm, quán nhậu… Thậm chí, nhiều nơi còn trưng biển bán rượu một cách công khai.

Trong vai người có nhu cầu mua rượu, chúng tôi ghé vào một cửa hàng tạp hóa trên đường Láng, Hà Nội, chủ cửa hàng nhanh nhẹn đưa ra 3 can rượu trắng, mỗi can 3 lít với 3 mức giá khác nhau từ 12-20 nghìn đồng/lít. Chủ hàng cho biết, khách muốn lấy bao nhiêu cũng được, chỉ cần đặt trước một hôm là có ngay.

Khi chúng tôi hỏi rượu có được dán tem kiểm định chất lượng không, chủ hàng chỉ cười: “Rượu tự nấu, làm gì có tem. Nhưng các các cô cứ yên tâm! Khách người ta vẫn uống suốt đấy thôi, có ai bị làm sao đâu!”.

Rẽ vào một quán ăn trên đường Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội, chúng tôi như lạc vào “mê trận” khi được nhân viên ở đây chào mời rất nhiều loại rượu ngâm như rượu ngâm tỏi, ba kích, táo mèo, tắc kè, cá ngựa, rắn, đông trùng hạ thảo, thậm chí cả rượu rết… cùng với những lời quảng cáo có cánh như: “cường gân, tráng cốt, tăng bản lĩnh đàn ông…”.

Các bình rượu thủ công bị cơ quan chức năng thu giữ
Các bình rượu thủ công bị cơ quan chức năng thu giữ

Song các loại rượu ngâm này đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Khi thấy chúng tôi ngần ngại về chất lượng và nguồn gốc rượu, nhân viên này đon đả khẳng định là rượu “quê” và không pha cồn. Có vẻ như sự thắc mắc của chúng tôi khá lạ lẫm. Bởi lẽ nhìn sang các bàn xung quanh, khá nhiều người đang uống loại rượu này mà không hề quan tâm đến việc rượu có tem mác không, có được kiểm định bởi cơ quan chức năng hay không.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, việc vô tư sử dụng và buôn bán rượu thủ công không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà nhà nước cũng thất thu một khoản tiền không hề nhỏ. Nhà nước sẽ thất thu ít nhất 3 loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (vì rượu bia là mặt hàng bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt), thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc không phải chịu bất kỳ một loại thuế, phí nào, khiến rượu sản xuất thủ công sẽ có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với rượu sản xuất công nghiệp phải dán tem. Điều này dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường rượu. Người tiêu dùng cũng vì thế mà vẫn lựa chọn sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc và không được kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thiết nghĩ, để kiểm soát được rượu không rõ nguồn gốc, phòng tránh ngộ độc rượu, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng quản lý thị trường.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, trong quy trình nấu rượu, nếu người nấu khống chế được nhiệt độ, áp suất sẽ tách được một số độc tố như methanol, acid, furfurol, aldehyt, acétaldehyt... Nhưng đa phần các lò nấu rượu thủ công, thiết bị đơn sơ, người nấu thiếu kiến thức khoa học, những chất này không được tách ra. Ngoài ra, trong quá trình xử lý nhiên liệu, nuôi cấy, ủ men... nhiều loại tạp chất cũng hoà tan trong rượu, gây độc tố. 

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.