Sự thật về “ma núi” Phia Vài

Hang Phia Vài
Hang Phia Vài
(PLO) - Hàng nghìn năm qua, người Tày ở thôn Cốc Ngận (xã Xuân Tân, huyện Na Hang, Tuyên Quang) coi Phia Vài là nơi cấm kỵ, vì nhiều người sau khi vào hang trở về có dấu hiệu bị tâm thần, lời đồn do “ma núi” Phia Vài “hành”.

Câu chuyện mê tín về “ma núi” chỉ được làm rõ khi đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật Phia Vài.

Di hài 10.000 năm trong núi
Tháng 11/2003, khi thực hiện “Dự án khảo sát những di tích lịch sử, văn hóa thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang”, từ thông tin của người dân địa phương, các nhà khoa học phát hiện một địa điểm khảo cổ học quan trọng - hang Phia Vài.
Cửa hang nằm hướng Tây, nhìn ra dòng suối Cốc Ngận, nơi có nhiều đá cuội mà người tiền sử sống trong hang đã sử dụng để chế tác công cụ. Mặt hang cao hơn mặt suối khoảng 15m, cửa hang rộng 35m, sâu 11m, trần hang cao 4m.
Xưa kia, người Tày ở đây đồn Phia Vài là hang thiêng có “ma”. Đời này qua đời khác một số người dân địa phương sau khi vào Phia Vài trở ra chẳng hiểu sao có dấu hiệu của người bệnh tâm thần, lơ ngơ, điên dại. Nhiều chuyện được thêu dệt lên khiến người dân sợ không dám vào hang, chăn giữ trâu bò cẩn thận hơn, sợ đi lạc vào hang “ma”. Phia Vài thành hang cấm. Đầu năm 2005, sau nhiều tháng thuyết phục già làng, trưởng bản và phải mua xôi, gà, lễ vật mời thầy mo của bản về cúng trấn an dân chúng, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tuyên Quang mới khai quật được hang này.
Các nhà khảo cổ đã đào hai hố khai quật tổng diện tích 40m2 và phát hiện hàng trăm hiện vật của người tiền sử. Đặc biệt, cuộc khai quật đã phát hiện hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa. Căn cứ vào đồ tùy táng, các nhà khoa họa khẳng định:
Ngôi mộ thứ nhất thuộc thời đại kim khí, cách nay khoảng trên dưới 3.000 năm. Ngôi mộ thứ hai đầu hướng Đông Bắc, chân hướng Tây Nam, có công cụ đá chôn theo thuộc văn hoá Hoà Bình, cách nay khoảng 10.000 năm. Các nhà khoa học đã bó thạch cao ngôi mộ thứ hai để chuyển về Bảo tàng Tuyên Quang. Ngôi mộ này bị nhũ đá đè lên do mái vòm của hang sập xuống. Để lấy được bộ xương, các nhà khảo cổ phải cưa bỏ nhũ đá ở trên.
Ngày 6/5/2006, các nhà khảo cổ học đã cưa bỏ phần quách thạch cao ở phía trên để lấy được bộ xương bán hóa thạch 10.000 năm tuổi vô giá này. Người chết nằm ngửa, hai tay duỗi thẳng. Mặc dù bộ xương chỉ còn nguyên vẹn phần đầu với độ hóa thạch cao, phần thân và tay, xương ống chân hầu như không còn, nhưng dựa vào vị trí của xương sên và xương gót chân trái nằm sát bên chậu hông, các chuyên gia kết luận người quá cố được chôn theo tư thế nằm bó gối, một tư thế mai táng quen thuộc của cư dân văn hóa Hòa Bình, Đa Bút, Quỳnh Văn...
Khai quật hang Phia Vài
 Khai quật hang Phia Vài
Nghệ thuật làm đẹp độc đáo cổ xưa
PGS.TS Nguyễn Lân Dũng tham gia đoàn khảo cổ cho biết: “Trong khi dùng chiếc kim nhỏ cậy từng tý đất ở hốc mắt, tôi chợt thấy có màu trắng là lạ vội hét tướng lên “Thấy rồi! Lại đây mà xem”. Anh chị em trong Bảo tàng Tuyên Quang kéo đến quanh tôi. Con ốc màu trắng nằm gọn trong hốc mắt của người đàn bà.
Đây là loại ốc biển có tên khoa học là Cyprea Arabica mà người Việt thường gọi là ốc loa hay ốc lợn. Người xưa thường dùng loại ốc này làm đồ trang sức, đôi khi là vật trao đổi hàng hoá, nên gọi là ốc tiền. Trong lúc khâm liệm, người ta đã đặt lên mỗi mắt một con ốc, để khi phần da thịt tiêu đi, con ốc sẽ tụt xuống hốc mắt như thay cho con mắt. Những sọ cổ có niên đại tương tự phát hiện được ở Đông Nam Á cũng không thấy cách khâm liệm đặt ốc vào hốc mắt.
Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, về mặt cổ nhân học là bộ xương người cổ đầu tiên phát hiện được ở tỉnh Tuyên Quang.
Về mặt hàng hoá, có sự trao đổi giữa người hang Phia Vài với cư dân biển (cách xa chừng 500km) là những đồ trang sức, những đồng tiền cổ bằng ốc biển. Về mặt tư duy, tâm linh, có thể những người thuộc giai đoạn văn hoá Hoà Bình ở đây đã có ý niệm khi chết tức là bước sang một “cuộc sống mới”, người phụ nữ Phia Vài cũng cần có hai con mắt như những người khác.
Lại cũng có thể thân nhân của bà cho rằng: đặt hai con ốc vào hốc mắt làm cho người quá cố đẹp hơn, sống hơn. Một vài nơi trên thế giới như Jordani và Mehico cũng có hiện tượng tương tự nhưng niên đại của những sọ cổ đó muộn hơn nhiều so với Phia Vài”.
Dựa vào độ mòn của răng và các yếu tố khác có thể thấy bộ xương bán hóa thạch 10.000 tuổi ở hang Phia Vài là di cốt của một người đàn bà, khoảng  45 - 50 tuổi. Vì xương cánh tay trái còn tương đối nguyên vẹn nên tính được chiều cao của người này là 1,56m. Các răng còn tương đối nguyên vẹn, chỉ thiếu toàn bộ răng cửa. Hàm dưới thiếu toàn bộ răng cửa, hai răng nanh và một số răng khác. Những người khai quật hang Phia Vài đã sàng lọc rất kỹ phần đất khai quật, nên khả năng tất cả răng cửa của người phụ nữ chết 10.000 năm bị mất khó xảy ra.
Bộ xương hóa thạch 10.000 năm
Bộ xương hóa thạch 10.000 năm
Ông Dũng phân tích: “Phải chăng, người ta đã nhổ đi những chiếc răng cửa như phong tục sau này của cư dân thời đại kim khí thuộc văn hóa Phùng Nguyên ở Mán Bạc, Xóm Rền, Đồng Đậu mà chúng tôi đã phát hiện và công bố. Địa điểm khảo cổ học Mán Bạc nằm ở thôn Bạch Liên (huyện Yên Mô, Ninh Bình). Qua bốn lần khai quật, các nhà khảo cổ học Việt Nam, Nhật, Úc… đã phát hiện được tới 88 bộ xương người cổ mà phần lớn di cốt ở đây được bảo quản rất tốt, mặc dầu địa điểm này có niên đại cách nay tới 3.000 - 4.000 năm.
Khi đào đến mộ số 27 ở lần khai quật thứ tư, tôi phát hiện ra một hiện tượng đặc biệt mà trong số 800 bộ xương người cổ tôi đã nghiên cứu, chưa bao giờ bắt gặp. Người ta đã mài vát góc ngoài hai răng của răng cửa giữa hàm trên. Có nhiều khả năng đây là một hình thức trang trí của người xưa. Hiện tượng trang trí răng này cũng đã từng gặp ở người tiền sử Columbia, nhưng ở Việt Nam là lần đầu”.
Cuộc khai quật hang Phia Vài chấm dứt. Lúc đầu, những người dân địa phương sợ hang “ma” nên việc thuê nhân công khó khăn. Sau khi thấy các nhà khoa học dũng cảm tiến vào hang nên một số người đồng ý tham gia khai quật. Đến nay, 10 năm đã trôi qua nhưng những người vào hang Phia Vài không ai có dấu hiệu bị “ma nhập” như lời đồn. Tuy nhiên, một số người dân vẫn e ngại khi nhớ tới lời đồn người vào hang bị phát điên trước đây. Cũng vì nỗi sợ hãi mơ hồ này, hang Phia Vài hầu như được giữ gìn nguyên vẹn.

Tin cùng chuyên mục

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.