Chống mốc dược liệu bằng xông lưu huỳnh - Có thật sự không độc?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLO) - Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc xông lưu huỳnh để chống mốc, bảo quản không chỉ được thực hiện ở Việt Nam mà còn được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. 

Phương pháp này cũng không phải chỉ được sử dụng để bảo quản dược liệu, mà còn được dùng để bảo quản cả thực phẩm mà chúng ta ăn uống hàng ngày như măng khô, nhãn khô, vải khô... Quan trọng, việc bảo quản bằng lưu huỳnh không hề độc hại như bấy lâu nay nhiều người vẫn tưởng.

Xông lưu huỳnh là cách bảo quản nguy hiểm?

Từ xưa đến nay, việc sử dụng thuốc Đông y để chữa bệnh là điều hết sức bình thường của nhân dân ta. Người dân ta quen và thích sử dụng thuốc Đông y vì các thuốc này đều có nguồn gốc tự nhiên, an toàn, kết quả mang tính lâu bền, chi phí cũng rẻ hơn nhiều so với thuốc Tây. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhiều người vẫn nơm nớp nỗi lo sợ khi sử dụng thuốc Đông y vì sợ loại dược liệu này không đảm bảo chất lượng, trong đó có nguyên nhân là bị nhiễm chất độc hại do trong quá trình bảo quản người ta đã xông lưu huỳnh để chống mốc.

Tại làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) được coi là “thủ phủ”, là đầu mối thu mua, sơ chế, cung cấp thuốc Đông y ở miền Bắc. Ngày nào ở đây cũng nhộn nhịp người xe ra vào mua bán thuốc. Từ ngoài đường lớn đến các con ngõ nhỏ sâu hun hút, chỗ nào cũng xực mùi thuốc Bắc. Theo như chia sẻ của một người dân làng Ninh Hiệp, thì dược liệu sau khi được mua về, để bảo quản được lâu, không bị nấm mốc xâm nhập thì phải qua một công đoạn là sấy lưu huỳnh.

Người này cho biết: “Thuốc Bắc sau khi được nhập từ Trung Quốc về chúng tôi sẽ đem rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô, sau đó mới đem xông lưu huỳnh để bảo quản. Nếu như chỉ phơi nắng không thì thuốc chỉ giữ được một thời gian ngắn, chỉ cần một trận mưa rầm vài ngày là cũng đủ khiến thuốc bị mốc. Vậy nên cách chống mốc tốt nhất là xông lưu huỳnh, cách này có thể bảo quản thuốc đến vài tháng hoặc lâu hơn nữa.

Lưu huỳnh giá thành rẻ, công đoạn xông cũng đơn giản, chỉ cần lấy lượng lưu huỳnh cần dùng cho vào bát, châm lửa rồi đặt giữa đống dược liệu cần xông để lưu huỳnh cháy âm ỉ, sau đó dùng cót quây tròn hoặc buộc bạt, bao ni lông phủ kín xung quanh để khói lưu huỳnh tỏa ra hết vào mọi ngóc ngách của dược liệu. Thời gian xông diễn ra trong khoảng 5 – 6 tiếng. Sau đó, dược liệu được trải ra bề mặt thoáng rộng, khi khói bay đi hết thì cho vào túi ni lông bảo quản”.

Được biết, loại “thần dược diệt nấm” lưu huỳnh là một phi kim phổ biển, không mùi, không vị, là một nguyên tố thiết yếu cho sự sống, là nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp như chế tạo diêm, sản xuất chất tẩy trắng bột giấy, làm phẩm nhuộm, thuốc trừ sâu, làm chất diệt nấm nông nghiệp… Nhiều người lo ngại, việc xông lưu huỳnh để bảo quản dược liệu là phương pháp bảo quản nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Vì khi lưu huỳnh bị đốt cháy sẽ thành SO2 để tiêu diệt nấm mốc, nhưng đồng thời chất này cũng lưu lại trên dược liệu nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và cả người bào chế thuốc.

Có lẽ đó cũng là lý do khiến ông Nguyễn Hữu Điệp (52 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi vốn rất hay dùng thuốc Đông y để phòng và chữa bệnh, thậm chí còn mua biếu bạn bè vài thang thuốc Đông y loại dùng để ngâm rượu về uống dần để phòng bệnh và tăng cường sức khỏe. Nhưng vài năm gần đây, tôi e ngại không dám dùng nữa vì sợ thuốc không còn an toàn như trước đây, do người ta chống mốc thuốc bằng cách sấy lưu huỳnh, nếu như chúng ta ăn uống hoặc hít phải chất này sẽ gây hại tới cơ thể”.

“Tuyệt đối không bao giờ bị nhiễm độc”

Trao đổi về vấn đề xông lưu huỳnh để bảo quản dược liệu, liệu có gây độc với người sử dụng hay không, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y TP. Hà Nội cho biết: “Việc xông lưu huỳnh để bảo quản dược liệu không hề độc như nhiều người dân vẫn lo lắng. Vì trước khi người dân sử dụng dược liệu đó để chữa bệnh, họ phải tuần tự trải qua các bước sơ chế như rửa sạch, cho nước vào đun sắc nhiều lần. Trong quá trình rửa, đun sắc thuốc, lưu huỳnh đã bị loại bỏ hết hoặc gần hết rồi. Trong Đông y, bản thân lưu huỳnh cũng là một dược liệu, có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn rất mạnh”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh  cũng cho biết: “Lâu nay người ta không hiểu gì về quy trình thực hiện bảo quản dược liệu. Trong quá trình bảo quản nếu chỉ sấy không thì dược liệu dễ bị mốc, sẽ sinh ra nhiều độc tố nguy hại cho sức khỏe con người. Vậy nên để chống mốc, người ta dùng cách xông lưu huỳnh. Xông lưu huỳnh không phải là đem diêm sinh cho vào, mà phải đốt lên, khi đó sẽ sinh ra khí SO2, cũng giống như đốt than, đốt củi sinh ra khí CO2. SO2 là một dạng khí, sẽ bay đi khắp nơi và xông vào mọi ngóc ngách của dược phẩm đó để diệt hết vi khuẩn, nấm mốc, bào tử nấm mốc, sau đó người ta mới đem bảo quản.

Trong quá trình bảo quản, một phần khí SO2 sẽ bay hơi đi, đến khi đem sử dụng làm thuốc thì trong quá trình chế biến, khí SO2 cũng bay ra hết. Nhân dân ta lâu nay thường sắc thuốc bắc khi uống, thì tuyệt đối không bao giờ lo sợ bị nhiễm độc. Vì khi sắc, người dân cho thuốc cùng nước vào nồi, trong quá trình đun hơi nước bay lên, SO2 cũng là một chất khí sẽ bốc hơi theo đó ra ngoài nên sẽ không còn lại gì. Nếu chúng ta đốt SO2 rồi ngửi trực tiếp sẽ rất độc”. 

Cũng theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, thì không riêng gì chỉ Việt Nam, các nước trên thế giới cũng đều dùng phương pháp này để bảo quản. Và không chỉ dùng trên dược phẩm, mà người ta dùng cả trên thực phẩm. Ví dụ như dùng trên măng sấy khô để chống bị mốc. Hay như quả vải, quả nhãn sấy khô người ta cũng dùng SO2 để bảo quản chống mốc. Trong sản xuất đường, gần như 100% là xông SO2 để bảo quản. 

Đọc thêm

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.