Những người phụ nữ “cứng hơn sắt thép” và đội quân độc nhất vô nhị

Đội quân tóc dài - niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, nỗi khiếp sợ của quân thù
Đội quân tóc dài - niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, nỗi khiếp sợ của quân thù
(PLO) - Nhìn những người phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai ôm nhau mừng mừng, tủi tủi trong buổi lễ kỷ niệm “55 năm Đội quân tóc dài và 50 năm phong trào Ba đảm đang” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào tháng 3 tại Hà Nội, ít ai biết rằng quá khứ của họ là những trang sử một thời đấu tranh gian khó, hiển hách, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.
Áo bà ba, khăn rằn làm nên Đồng khởi
Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng những nét gọn gàng của sống mũi, đôi môi trên gương mặt bà Ca Lê Du (sinh năm 1934, con gái của ông Ca Lê Thỉnh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, em của nhạc sĩ Ca Lê Thuần, đạo diễn Ca Lê Hoài, chị của nhà thơ - liệt sĩ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) với bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” nổi tiếng) vẫn đủ nói với người đối diện rằng đây là một phụ nữ rất đẹp vào thời xuân sắc. Tài, sắc vẹn toàn, đi cùng với vẻ đẹp ấy là ý chí kiên cường của một chiến sĩ cách mạng. Nhỏ nhắn trong bộ đồ bà ba, khăn rằn, bà Ca Lê Du kể câu chuyện của mình. 
Sau năm 1954, gia đình bà Ca Lê Du trong diện tập kết ra Bắc nhưng với tinh thần, ý chí cách mạng, nhận được sự phân công của Đảng, cô gái Ca Lê Du hừng hực khí thế chiến đấu đã nguyện ở lại sát cánh với đồng bào miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tham gia Đội quân tóc dài khi mới ngoài đôi mươi, bà chính là một trong những người trực tiếp tổ chức các cuộc đấu tranh trong Phong trào Đồng khởi tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. 
“Nhà có 3 công ruộng, chồng đi thoát ly theo cách mạng, một mình tôi ở nhà vừa làm ruộng nuôi 3 con vừa tham gia phong trào đấu tranh. Vất vả nhưng rất tự hào bởi Đội quân tóc dài là một đội quân đặc biệt khi mà các chiến sĩ trong đội quân vừa chiến đấu giỏi vừa tăng gia sản xuất, không chỉ tự nuôi sống mình mà còn chi viện lương thực cho bộ đội”. 
Khi được hỏi về những thành tích trong đấu tranh, dịu dàng, tế nhị như bất kỳ người phụ nữ Việt Nam nào khác, bà Ca Lê Du không nói về chiến công của mình mà lại nâng niu chiếc khăn rằn trên vai trầm ngâm tâm sự: “Khăn rằn là một trong những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người dân Nam bộ, đặc biệt là phụ nữ Bến Tre. Nó còn là biểu tượng của Phong trào Đồng khởi, được sử dụng như một ám hiệu trong chiến đấu. 
Với mỗi mục đích sử dụng khác nhau, chiếc khăn rằn lại thể hiện giá trị khác nhau: lúc là ám hiệu trong chiến đấu, lúc là vật che nắng, che mưa khi bị địch bắt phơi ngoài trời; còn khi bị địch tra tấn, chiếc khăn được dùng làm đồ để băng bó vết thương. Chiếc khăn rằn đã trở thành “đồng đội” của phụ nữ Bến Tre trong cuộc đấu tranh cứu quốc. Nói đến khăn rằn, người ta nhớ ngay tới Phong trào Đồng khởi, đến những người phụ nữ “năm xưa đi trong lửa đạn, đi như nước lũ tràn về” khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
Điều mà bà Ca Lê Du không kể đó là trong những năm tháng chiến tranh, bà liên tiếp phải gánh chịu những nỗi đau mất mát to lớn. Năm 1968, người em trai của bà - nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì năm 1970 chồng bà cũng hy sinh trong một trận đánh. Trước đau thương mất mát không gì bù đắp nổi, nước mắt bà chảy tràn ngày đêm. Nhưng nghĩ đến tổ chức, đến truyền thống cách mạng của gia đình và lòng căm thù giặc sâu sắc, bà đã kiên cường đứng lên tiếp tục lãnh đạo phong trào và kiên định chiến đấu. 
Bà Ca Lê Du
Bà Ca Lê Du 
Giả trai đánh giặc 
Khi người dẫn chương trình của buổi lễ kỷ niệm “55 năm Đội quân tóc dài và 50 năm Phong trào Ba đảm đang” giới thiệu: “Đây là người phụ nữ đã từng có một thời gian dài giả trai đi đánh giặc”, cả khán phòng đã ồ lên cảm phục. Không cảm phục sao được khi câu chuyện đời của bà Trần Thị Quang Mẫn – người được mệnh danh là “nữ chúa miền Tây” vì những chiến công hiển hách của bà trong chiến đấu - còn ly kỳ hơn cả tiểu thuyết. 
Bà kể, căm thù giặc sâu sắc, bà đã trốn nhà tham gia kháng chiến. Bị bố cắt tóc, lột quần áo, nhốt trong nhà vì không muốn con gái đi bộ đội, Mẫn xin mẹ cho mình và em gái trốn đi. Mượn cả xóm mới được một bộ đồ nam nhi, Mẫn cải trang thành nam giới và gia nhập đội quân Vệ Quốc đoàn. Tối tối, cô gái Mẫn trốn vào rừng hét cho vỡ tiếng để giọng ồm ồm; tập ăn nói bỗ bã cho giống con trai, tập hút thuốc, uống rượu… 
Mẫn bắt em gái gọi mình bằng “anh” và mỗi lần chiến đấu bị thương, Mẫn đều được em gái là y tá giành quyền chăm sóc. Anh dũng chiến đấu qua bao nhiêu trận đánh, cho đến khi “anh Mẫn” đã làm đến chức Đại đội trưởng của Vệ Quốc đoàn, anh em chiến sĩ vẫn nghĩ người thủ trưởng của mình là một trang nam nhi thực thụ. 
Lập chiến công lớn trong một trận đánh, “anh Mẫn” được lên báo. Cậu họ của Mẫn lúc đó là cán bộ quân sự đọc tin thấy cháu gái mình được tuyên dương dưới danh nghĩa anh Đại đội trưởng Trần Quang Mẫn thì đem chuyện của Mẫn khoe với Mười Bé - cậu bộ đội cùng đơn vị và tiết lộ chuyện Mẫn giả trai. 
Cảm phục cô gái gan dạ, kiên trung, có lòng căm thù giặc sâu sắc, mặc dù chưa gặp mặt nhưng Mười Bé đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ. Thế rồi trong một trận đánh, sau khi sát cánh cùng Trần Quang Mẫn trên chiến trường, Mười Bé đã gặp riêng và nói mình đã biết sự thật Mẫn giả trai tham gia bộ đội và thổ lộ đã đem lòng yêu mến từ lâu. Qua bao lần thuyết phục, cảm động trước tình yêu Mười Bé dành cho mình, đám cưới giữa “anh Mẫn” và Mười Bé đã được tổ chức tại đơn vị. Cả đại đội lúc ấy ai cũng ngỡ ngàng về cô dâu lại là Đại đội trưởng Trần Quang Mẫn. 
Có với nhau một người con trai duy nhất thì năm 1952 chồng hy sinh khi bà mới sinh con được mấy ngày. Nén nỗi đau, biến căm thù thành sức mạnh, bà Trần Thị Quang Mẫn tiếp tục kiên cường chiến đấu. Trong một lần được giao trọng trách ám sát tên việt gian ác ôn nhưng không thành, bà bị bắt, bị tra tấn dã man. Không giết được người nữ cộng sản kiên trung, khiếp nhược trước tinh thần đấu tranh không mệt mỏi của bà,  sau 7 năm tù đày, cuối cùng địch phải trả tự do cho bà… Đứa con trai duy nhất của bà cũng hy sinh trong chiến đấu khi mới 15 tuổi đời.
Bà Trần Thị Quang Mẫn chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Bà Trần Thị Quang Mẫn chụp ảnh lưu niệm
cùng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 
Huyền thoại đội quân 
độc nhất vô nhị
Ở miền Nam, từ năm 1957 đến năm 1959 là thời kỳ vô cùng đen tối của cách mạng miền Nam. Đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn ác nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam, phá hoại Hiệp định Geneve. Sự tàn ác của Mỹ - Diệm đã dồn nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác và phải vùng lên dùng bạo lực chính trị, vũ trang để giải phóng cho mình.
Đội quân tóc dài ra đời trong Phong trào Đồng khởi của tỉnh Bến Tre năm 1960 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng quyết định cho phép lực lượng miền Nam sử dụng bạo lực để đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm, bằng cách kết hợp đấu trang chính trị với đấu tranh vũ trang. Phong trào bắt đầu bùng nổ ngày 17/1/1960 tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. 
Sau đó, phong trào lan rộng ra 47 xã thuộc 6 huyện của Bến Tre với sự tham gia của đông đảo phụ nữ. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bến Tre, lực lượng phụ nữ đã giành quyền kiểm soát 22 xã, phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ cho 22 xã khác. Từ cuộc nổi dậy này, nữ tướng Nguyễn Thị Định trở thành một nhà lãnh đạo và biểu tượng của Đội quân tóc dài. Tên tuổi của bà đã gắn liền với Đội quân tóc dài và phong trào đấu tranh của phụ nữ ở miền Nam Việt Nam.
Sự ra đời của Đội quân tóc dài là sự sáng tạo độc đáo của đường lối đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang trong cách mạng miền Nam, làm cho sức mạnh của phong trào phụ nữ miền Nam được nhân lên gấp nhiều lần. Trong đấu tranh chính trị, các chị em làm tốt công tác địch vận, lôi kéo chồng, con, em mình bỏ ngũ, giải thích chính nghĩa cho binh lính, hù dọa làm cho chúng hạ súng, bỏ đồn, cao hơn là giác ngộ cách mạng, xây dựng tổ chức ngay trong lòng địch.
Ở nông thôn, các mẹ, các chị ngăn cản đầu xe không cho cán lúa, cán hoa màu, cản xe ủi đất không cho ủi nhà, bịt nòng súng không cho bắn vào xóm làng, níu kéo lính Mỹ khi chúng đốt nhà, chống lính Mỹ hãm hiếp phụ nữ, chống bắt thanh niên đi lính làm bia đỡ đạn cho giặc Mỹ. Mặt khác, đồng bào và chị em đã khéo léo khai thác những mâu thuẫn sâu sắc giữa quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, khơi gợi tinh thần dân tộc chống Mỹ xâm lược, chống bọn bán nước, chống lệnh đi càn, đòi giải ngũ, đòi hòa bình, độc lập. 
Ở các thành thị, các phong trào đấu tranh chính trị được tổ chức dưới nhiều hình thức, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, từ phụ nữ lao động, tiểu thương, học sinh, sinh viên đến trí thức, nhân sĩ, các nhà tư sản dân tộc, các chức sắc trong tôn giáo…
Trong đấu tranh vũ trang, các đội đặc công, biệt động nữ cũng đã thực hiện nhiều trận đánh vào các cơ quan đầu não địch. Cùng với việc trực tiếp tham gia chiến đấu, mở rộng vùng tự do, chị em phụ nữ còn tham gia các hoạt động phục vụ chiến đấu như tham gia làm giao liên, dân công, thanh niên xung phong. Các bà, các mẹ, các chị cũng là lực lượng sản xuất chủ yếu ở nông thôn, gánh vác công việc đồng áng dưới bom đạn và chất độc hóa học của địch, đảm bảo cung cấp lương thực vừa nuôi gia đình, vừa đóng góp cho cách mạng. 
Khi cách mạng mở rộng vùng giải phóng, đông đảo phụ nữ đã tham gia công tác xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, quản lý xóm làng. Chính các mẹ, các chị là người đã đào hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn nuôi dưỡng, che giấu hoặc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho lực lượng cách mạng ở khu du kích…
Gắn với Phong trào Đồng khởi, sự phát triển của Đội quân tóc dài là hiện tượng độc đáo của phong trào cách mạng Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam. Đội quân tóc dài đã vinh dự được Trung ương Đảng tặng 8 chữ vàng: “Anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”.

Tin cùng chuyên mục

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trang El Popular của Đảng Cộng sản Uruguay và tờ Resumen Latinoamericano của Argentina đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt, trong đó khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc thêm

Thủ tướng đề xuất đưa ASEAN thành hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu

Toạ đàm với doanh nghiệp ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Ngày 23/4, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Các cựu chiến binh, cựu TNXP dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 23/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiếp tục củng cố cơ sở về giao thông thông minh

Quang cảnh phiên họp.
(PLVN) - Tiếp tục phiên họp thứ 32, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.

Tăng cường kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
(PLVN) - Theo tin từ Bộ Ngoại giao, chiều 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhân dịp tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.
(PLVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với việc theo dõi thi hành pháp luật; khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Giám sát các dự án trọng điểm quốc gia: Có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nội dung thảo luận.
(PLVN) - Sáng 22/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét kết quả giám sát Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của QH về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Giám sát cán bộ, đảng viên: Khắc phục bằng được tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm

Hội thảo về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Quang Vinh)
(PLVN) - Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định nhằm đẩy mạnh công tác giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Ký kết Hiệp định Geneve: Mốc son lịch sử của dân tộc, mang ý nghĩa thời đại

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
(PLVN) - Trả lời báo chí nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc ký kết Hiệp định không chỉ là một mốc son lịch sử của dân tộc ta, mà còn mang ý nghĩa thời đại. Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.