Tay anh chị từng “hô mưa gọi gió” trong thế giới ngầm Hà Nội

Chỉ vì vài quả nhãn, đã biến 1 đứa trẻ thành gã giang hồ
Chỉ vì vài quả nhãn, đã biến 1 đứa trẻ thành gã giang hồ
(PLO) -Nếu không phải cư dân sống lâu năm trên phố Thi Sách (Hà Nội) thì có lẽ nhiều người sẽ không biết rằng: nơi đây từng sản sinh ra tên tướng cướp một thời khét tiếng. Câu chuyện lùi vào miền dĩ vãng đã vài mươi năm, bia mộ của tướng cướp đã xanh rêu phủ, nhưng bài học làm người thì vẫn chưa bao giờ là cũ. 

Lạc lối từ vài quả nhãn

Nguyễn Đức Trung sinh năm 1960, trong một gia đình cơ bản. Mẹ là công nhân, bố là bộ đội phục viên làm thủ kho cho một cơ quan quân đội. Là con trưởng nên bố mẹ dồn cho nhiều sự quan tâm, Trung cũng được ăn học đầy đủ như bao bạn bè cùng trang lứa. 

Nhưng để có thể hiểu được phần nào những bước đầu lạc lối của tướng cướp này, cần hiểu rõ thêm về người cha của Trung. Phục viên sau khi bị thương trong chiến đấu, ông thuộc "típ" người mà giới trẻ hồi đó thường gọi là "Bônsêvich" hoặc "cụ Khốt". 

Mang đậm bản chất "anh bộ đội cụ Hồ", ông ghét cay ghét đắng những gì sai trái, cho dù đó là những cái sai nhỏ nhất. Người ngoài sai, ông phê bình. Người trong gia đình sai, ông nghiêm trị. Vài người bạn cùng thời với Trung cho rằng lầm lỗi đầu tiên của Trung, nếu ở một gia đình khác, có lẽ sẽ không bị xử phạt khắc nghiệt như thế. 

Ngày ấy và bây giờ vẫn tồn tại khái niệm "gần nhà xa ngõ". Giáp với khu nhà Trung là vườn cây ăn trái của một gia đình ở phố Lò Đúc (song song với phố Thi Sách). Khu vườn rộng đến 200m2 nằm lọt giữa khu dân cư đông đúc, cho thấy chủ sở hữu phải là người khá giàu có. Đủ mọi loại quả ngon: nhãn, ổi, roi, dâu... những thứ mà thời bao cấp ở thành thị dù có tiền chưa chắc đã mua được. 

15, 16 tuổi đầu, cũng như mọi cậu choai choai trong khu vực, Trung nhìn dàn quả trĩu trịt mà thèm đến tứa nước miếng. Thế là chập tối, vài đứa giỏi leo trèo công kênh nhau, men theo bờ tường, trèo lên những mái nhà sát với khu vườn. Ở đó, Trung cùng đám bạn dùng sào ngắt quả, cho lẫn lộn tất cả vào bao tải. 

Không hề có toan tính vụ lợi, chỉ là lấy nhiều nhiều một chút, mang xuống chia cho trẻ con cả xóm cùng ăn. Vài lần như thế, thấy cây trái có phần xơ xác, gia chủ của khu vườn bỗng sinh nghi. Họ bèn để công rình rập. Vì là đứa hăng hái chui sâu vào khu vườn nhất nên Trung không chạy kịp, bị tóm cổ với bằng chứng là một túi nhãn. Biết quá rõ thằng nhóc nghịch ngợm, người chủ dẫn Trung về tận nhà để bắt đền. 

Thấy con trai bị lôi xềnh xệch về với một túi nhãn, bố Trung nổi trận lôi đình. Sau khi đền cho người chủ khu vườn ít tiền, ông đã dành cho con trai một hình phạt cực kỳ kinh dị. Ông tự tay bóc cả túi nhãn, vứt cùi xuống đất và bắt Trung quỳ xuống... vừa bò vừa ăn. 

Rồi trong khi Trung khóc rưng rức, quỳ ăn từng miếng nhãn lấm đất chát đắng thì người bố sỉ vả: "Tao có để mày ăn uống thiếu thốn gì không? Thế mà mày đi trộm cắp của người ta, có khác gì con vật. Vậy thì mày bò bằng bốn chân mà ăn như con vật đi". 

Chưa dừng ở đó. Ngủ qua một đêm, sáng hôm sau vẫn còn mắt nhắm mắt mở, Trung đã bị bố dựng dậy, bắt phải đeo một tấm bảng trước ngực. Trên đó ghi: "Tôi là thằng ăn cắp nhãn". Rồi mặc cho Trung xin lỗi, thậm chí mẹ và các em xanh mắt cầu xin, người bố vẫn bắt Trung đeo tấm bảng trong mọi sinh hoạt cả ngày hôm đó. Kể từ lúc đeo tấm bảng ấy, bạn bè trêu chọc, Trung "chết" danh là Trung "ăn cắp".

Phố Thi Sách - Hà Nội
Phố Thi Sách - Hà Nội

Chất "tướng cướp" từ trong trứng

Kể lại đoạn đời này, có người bạn của Trung không kìm được xúc động "Trong trí nhớ của chúng tôi, ông cụ bố Trung là người cực tốt. Nhưng giáo dục con cái như thế có phần tàn nhẫn quá. Thà ông cụ cứ đánh nó một trận thật đau, vết thương trên người còn mau lành hơn vết thương tâm hồn như thế. Sau chuyện đó, Trung trở thành người khác hẳn. Cặp mắt nó thỉnh thoảng vằn lên những tia sáng dữ dội khiến lũ bạn chơi từ tấm bé như chúng tôi cũng phải giật mình".

Theo người kể chuyện, "tia sáng dữ dội" ấy chính là lòng thù hận. Bị tổn thương tự trọng chỉ vì vài quả nhãn, Trung đã rắp tâm trả đũa. Cùng trong một khu vực nên Trung biết người chủ khu vườn có một đứa con trai, kém Trung chừng vài tuổi. Lân la tìm hiểu, Trung biết sau giờ học chiều, cậu ta hay đi bơi ở bể bơi trên phố Tăng Bạt Hổ. Trung bắt đầu lên kế hoạch trả thù. 

Một buổi chiều, giấu con dao phay của gia đình vào cặp, Trung nói dối là đi học thêm rồi đến phục ở bể bơi. Vừa thấy "con mồi" xuất hiện, tóc và quần đùi còn ướt rượt, Trung lập tức lao đến. Lớn hơn lại ở thế chủ động, Trung đấm đá không thương tiếc mặc cho cậu bé tội nghiệp ú ớ không hiểu vì sao bị đánh. 

Hậu quả của trận đòn thù là cậu bé gãy mất mấy cái răng cửa. Trung lạnh lùng "Về mách bố mày tao là thằng ăn cắp nhãn đây. Bảo là tao vẫn đứng đợi nhé".

Nhìn con trai bị đánh đau, nghe truyền đạt lại những lời xấc xược, người chủ khu vườn đã mắc bẫy. Ông hộc tốc chạy ra bể bơi với ý định dạy cho thằng nhóc láo toét một bài học. Nhưng ông đã nhầm. Thằng nhóc bị bố phạt quỳ ăn nhãn đã trở thành một tên côn đồ thực sự. Trung đón người chủ khu vườn bằng một trận mưa dao. Tay không tấc sắt, bị chém bất ngờ, người đàn ông vừa chạy vừa hốt hoảng kêu cứu. 

Không một ai có mặt ở bể bơi ngày hôm đó dám can ngăn tên "hung thần nhí". Trung chỉ dừng tay khi nạn nhân đã gục ngã dưới đất. Có lẽ phải nhờ sự may mắn kỳ diệu, người chủ khu vườn mới thoát chết, nhưng bị tới mười mấy vết thương ở khắp các bộ phận trên cơ thể. 

Trung bị bắt ngay sau đó. Xác định nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của hung thủ, Tòa khởi tố Trung về tội "cố ý giết người". Tại phiên tòa, bố Trung yêu cầu xét xử con trai thật nặng để răn đe những kẻ côn đồ khác. Tuy nhiên, với một số tình tiết giảm nhẹ như bị cáo tuổi vị thành niên, có bố là thương binh, Trung chỉ bị xử 5 năm tù. 

Được nói lời cuối trước tòa, Trung không xin lỗi nạn nhân cũng không xin giảm nhẹ hình phạt như thường thấy. Gã quay lại tìm ánh mắt người thân và nhẹ nhàng "Con cảm ơn vì bố vẫn đến để nhìn mặt con". Bước chân ra xe đặc chủng đi trả án, khi ấy Trung mới ngoài 17 tuổi.

"Vụ trả thù ghê gớm ở bể bơi Tăng Bạt Hổ đã chấn động dư luận ngày ấy. Phạm tội lần đầu nhưng bộc lộ rõ sự lạnh lùng và khát máu, Trung "ăn cắp" đã từ vô danh trở thành có "số má" trong giới giang hồ. Bước chân vào trại Tân Lập, dù ở tận miền trung du Phú Thọ, nghe về "chiến tích" của Trung, ngay cả những tay anh chị "đại bàng" cũng phải kiêng dè vài phần", một giang hồ từng ở cùng trại với Trung thuật lại. 

Theo người này, dù còn rất trẻ, gã "tướng cướp tương lai" đã thể hiện cái chất thủ lĩnh của mình. Dù được nhiều đại ca để ý, lôi kéo, nhưng Trung không thân hẳn với phe nào. Đơn giản vì như gã tâm sự với bạn tù, rằng đời gã sẽ không chịu làm đàn em của ai hết.

Và nếu không thể hoàn lương, gã sẽ không bao giờ thuộc loại giang hồ nhãi nhép. Những tuyên bố xanh rờn ấy sau này sẽ vận vào cuộc đời Trung "ăn cắp", đẩy gã ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi, không chốn dung thân.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.